VÀI NÉT VỀ ĐẠO GIÁO
Nội dung của Đạo giáo, quá trình du nhập của Đạo giáo vào Việt Nam
VÀI NÉT VỀ ĐẠO GIÁO
Đạo giáo là một triết học và tôn giáo cổ xưa của Trung Quốc hướng dẫn các tín đồ cách tồn tại hài hòa với vũ trụ.
Đạo giáo cho rằng con người và động vật nên sống cân bằng với Đạo, hay vũ trụ. Đạo giáo tin vào sự bất tử tâm linh, nơi linh hồn của cơ thể gia nhập vũ trụ sau khi chết. Đạo giáo dạy rằng tất cả các sinh vật sống phải sống trong trạng thái hài hòa với vũ trụ và năng lượng được tìm thấy trong đó chí, hay khí, là năng lượng hiện diện và hướng dẫn mọi thứ trong vũ trụ. Tư tưởng của Đạo giáo tập trung vào tính chân thực, tuổi thọ, sức khỏe, sự bất tử, sức sống, vô vi (không hành động, hành động tự nhiên, trạng thái cân bằng hoàn hảo với đạo), sự tách rời, sự tinh tế (tính không), tính tự phát, sự biến đổi và toàn năng.
Đạo giáo là một tôn giáo cổ xưa, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đạo giáo có hai nhánh phát triển chính: Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy. Trong quá trình tồn tại và phát triển, mặc dù Đạo giáo chưa từng trở thành hệ tư tưởng thống trị trong xã hội Trung Quốc như Nho giáo, Phật giáo nhưng vai trò của nó trong đời sống xã hội Trung Quốc rất to lớn. Đặc biệt trong tầng lớp người bình dân và được người Trung Quốc coi là một tôn giáo “đặc sản” của dân tộc.
Đạo giáo được truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm, về thời điểm cụ thể thì chưa có một nguồn sử liệu nào xác định chính xác. Nhưng, theo quan điểm được nhiều người thừa nhận thì Đạo giáo được truyền bá vào nước ta sau Nho giáo và Phật giáo. Đạo giáo được truyền bá vào Việt Nam đã có lúc trở thành một tôn giáo độc lập như dưới triều đại Lý, Trần. Nhưng sau đó, hiện tượng dung hợp Đạo giáo với Phật giáo và Nho giáo đã diễn ra. Đến thời Lê, Đạo giáo nhanh chóng kết hợp với Phật giáo, đa số đạo quán biến thành Phật tự, đạo sĩ, đạo kinh đều bị mai một. Đến thời Nguyễn, khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị trong xã hội, được nhà Nguyễn trọng dụng và được tôn vinh là “quốc giáo” thì Đạo giáo gần như mất hẳn trong đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam, danh từ Đạo giáo đã không còn được người đời nhắc đến nhiều.
Trong suốt tiến trình phát triển của dân tộc, cùng với Nho giáo và Phật giáo, Đạo giáo có ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống tinh thần, truyền thống và văn hóa của dân tộc ta, đặc biệt trong đời sống của những người dân lao động. Trong buổi đầu truyền bá vào nước ta, Đạo giáo đã tìm thấy những tín ngưỡng tương đồng có sẵn từ lâu. Sự sùng bái ma thuật, phù phép, bùa chú… của người Việt cổ, đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự gieo mầm của Đạo giáo. “Vì vậy, dễ hiểu là tại sao Đạo giáo, trước hết là Đạo giáo phù thủy, đã thâm nhập nhanh chóng và hòa quyện dễ dàng với tín ngưỡng ma thuật cổ truyền tới mức không còn ranh giới”. “Nó như có sẵn miếng đất thân thuộc, dân không học đã hay”.
Đạo giáo có hai đặc trưng cơ bản là:
Đạo là thể vô hình tức là không sinh không diệt mà hằng hữu đời đời. Sở dĩ người ta không thấy được Đạo bởi vì nó bao gồm các nguyên tố rời rạc và chưa kết thành hình tượng cụ thể. Đạo sinh ra một, một lại sinh hai, hai tiếp tục sinh ba, ba lại sinh vạn vật. Một là Thái cực, hai là Âm Dương, ba là Tam Thiên Vị. Cho nên theo Lão Tử, trong vạn vật đều có Âm Dương cụ thể đều cõng một Âm và một Dương.
Vì vậy theo Đạo giáo, trước khi vũ trụ thành hình là khoảng không hư vô bao la. Chỉ duy có một chất sinh rất tuyệt diệu, đó là đạo. Đạo chuyển biến tạo ra Âm Dương rồi Âm Dương xô đẩy và hòa hợp tạo ra vũ trụ và vạn vật. Sau đó vạn vật được chuyển hóa tác động với nhau, có khi phồn thịnh với nhau. Cuối cùng tan rã để trở về với trạng thái không vật không hình.
Lão Tử quan niệm Đạo Trời không thân với ai mà cũng không sợ ai. Trời Đất đã sinh ra vạn vật gồm cây cỏ, chim muông và con người. Việc sinh ra không nhằm để chúng ăn thịt nhau mà là các sinh vật đều khắc chế lẫn nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau và hòa hợp với nhau để cùng sinh tồn và phát triển.
Lão Tử không lấy cuộc đời làm vui thú, ông xem việc sống là một nghĩa vụ. Do đó xem cái chết là một việc phục tùng theo lẽ tự nhiên. Lão Tử ghét những người ham mê danh lợi và coi trọng cái xác thịt. Đây chỉ là cái xác thịt giả thứ đáng quý nhất là khi con người biết đem thân xác ra phục vụ cho đời. Lão Tử cho rằng người đời không nên quá thiên về đời sống vật chất, phải biết tiết chế lòng ham muốn. Con người nên chú trọng tinh thần và lấy cái tâm đè nén cái khí, thà rằng bỏ cái thân này mà giữ được Đạo và Đức còn hơn.
Có thể thấy Đạo giáo cùng Nho giáo, Phật giáo có ảnh hưởng đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, triết học, văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, dưỡng sinh, y khoa, hoá học, vũ thuật và địa lý. Vì xuất hiện dưới nhiều trạng thái khác biệt và sự khó phân rạch rõ ràng với những tôn giáo khác nên người ta không nắm được số người theo Đạo giáo. Đặc biệt có nhiều người theo Đạo giáo sinh sống tại Đài Loan, nơi nhiều trường phái Đạo gia đã lánh nạn Cách mạng văn hoá tại Trung Quốc lục địa. Hiện nay, Đạo giáo có khoảng hơn 400 triệu tín đồ, chủ yếu tập trung tại các nước như là Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan và cộng đồng người Hoa hải ngoại. Trong tín ngưỡng Đạo Giáo cũng thường hay nhắc tới các vị Tiên và việc thờ cúng các vị Tiên là thể hiện sự kính trọng với họ. Tuy nhiên, ở trong lý luận triết học Đạo giáo thì lại không quan trọng về vấn đề này.
Hiện nay, Đạo giáo đã hoà nhập với tín ngưỡng dân gian Việt Nam vả trở thành một phần trong nét đẹp văn hoá của người Việt.
(Sản phẩm của FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ)
Tin liên quan
- BCVV Số 01: Ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn 2023-02-07 22:09:31
- CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ( MH02-LV1/17-01) 2021-11-08 15:54:20
- Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. 2023-02-07 22:19:19
- LÀM CHA MẸ HIỆU QUẢ (MH03-LV2/08-01) 2021-11-06 16:00:45
- NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG NHẤT ( MH02-LV1/03-02) 2021-11-06 15:54:56