TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 2017)
TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 2017)
-
-
Các dấu hiệu pháp lý của tội trộm cắp tài sản
-
1. Dấu hiệu định tội
Để xác định được tội danh thì cần có những dấu hiệu đặc trưng để nhận biết. Những dấu hiệu pháp lý đặc trưng sẽ được thể hiện qua việc mô tả cấu thành tội phạm quy định trong phần các tội BLHS. Dấu hiệu định tội được mô tả trong các cấu thành tội phạm làm tiêu chí để xác định một người thực hiện hành vi: Phạm tội gì? Với vai trò như thế nào? Thực hiện tội phạm hay là tiến hành tổ chức, xúi giục hay giúp sức thực hiện hành vi phạm tội. Nếu có, thì thực hiện ở giai đoạn nào của TP?”
Tóm lại, những dấu hiệu ấy thể hiện ở các yếu tố chủ thể của TP, khách thể của TP, mặt chủ quan và khách quan của TP.
1.1. Mặt chủ quan
Mặt chủ quan là những biểu hiện bên trong của chủ thể phạm tội, nó tồn tại độc lập nhưng luôn gắn bó với mặt khách quan của TP. Tiến sỹ khoa học Lê Cẩm đã đưa ra định nghĩa về khái niệm mặt chủ quan của TP: “là đặc điểm tâm lý bên trong của cách cư xử có tính chất tội phạm xâm hại đến khách thể được bảo vệ bằng PLHS, tức là thái độ tâm lý của chủ thể được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do mình thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó (lỗi)”.
Như vậy mặt chủ quan của TP sẽ được biểu hiện qua các yếu tố: lỗi, mục đích và động cơ phạm tội (có thể có tính tư lợi hoặc không) trong đó yếu tố lỗi là dấu hiệu chủ quan bắt buộc ở tất cả các cấu thành tội phạm.
a, Dấu hiệu lỗi
“Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra và được thể hiện dưới hình thức lỗi cố ý hoặc vô ý"
Ta có thể thấy theo quy định của Điều 173 BLHS mô tả về cấu thành tội phạm thì yếu tố lỗi không được miêu tả một cách trực tiếp nhưng rõ ràng dựa vào tính chất của hành vi ta có thể khẳng định việc trộm cắp tài sản là lỗi cố ý trực tiếp.
Chủ thể thực hiện hành vi trộm cắp tài sản biết rõ được hành vi của mình là sai trái, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quan hệ pháp luật được bảo vệ nhưng vẫn cố ý gây ra hành vi của mình. Hơn nữa chủ thể thực hiện hành vi còn mong muốn cho hậu quả xảy ra thì mới có thể đạt được kết quả cuối cùng của mình là trộm cắp tài sản của người khác và ngang nhiên biến tài sản đó thành của mình.
b, Động cơ phạm tội
“Động cơ phạm tội là động lực (nhân tố) bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý”
Động cơ phạm tội luôn đa dạng, tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể động cơ phạm tội của các chủ thể sẽ là khác nhau. Ví dụ có người xuất phát từ động cơ nghèo túng, thiếu tiền nên đã đi trộm tài sản. Người khác lại xuất phát từ sự đố kỵ khi thấy người khác có thể sở hữu tài sản đó còn mình thì không có nên họ thực hiện hành vi trộm cắp.
c, Mục đích của người trộm cắp tài sản
“Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội”
Đương nhiên xuất phát từ hành vi cố ý thì chủ thể luôn mong muốn đạt được mục đích đã đề ra. Trong tội trộm cắp tài sản cũng vậy mục đích của người trộm cắp xuất phát từ động cơ và luôn mong muốn rằng hành vi của mình thực hiện sẽ đạt được kết quả cuối cùng.
1.2. Mặt khách quan
Khác với mặt chủ quan là những biểu hiện tâm lý bên trong thì mặt chủ quan là những biểu hiện thể hiện ra bên ngoài.
“Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ băng pháp luật hình sự, tức là sự thể hiện cách xử sự có tính chất tội phạm trong thực tế khách quan”
Như vậy qua cách diễn đạt về khái niệm mặt khách quan của TP ta có thể thấy rằng mặt khách quan của TP là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nó bao gồm các yếu tố cơ bản sau: hành vi khách quan gây nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả, các điều kiện bên ngoài khác như: địa điểm, thời gian, thủ đoạn, phương tiện, công cụ, phương pháp…. Từ đó ta sẽ đi tìm hiểu về mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản và từng yếu tố cấu thành nên nó.
a, Hành vi khách quan gây nguy hiểm cho xã hội của tội trộm cắp tài sản
Hành vi là dấu hiệu bắt buộc của tất cả các cấu thành tội phạm nếu không có hành vi thì không có cấu thành tội phạm và cũng không thể có và xuất hiện tội phạm.
“Hành vi khách quan của tội phạm (hành vi nguy hiểm cho xã hội) là xử sự cụ thể của con người được thể hiện ra thế giới khách quan dưới những hình thức nhất định, gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ"
Hành vi khách quan đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là hành vi thể hiện tính chất lén lút. Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản có đặc điểm là: có tính gây thiệt hại cho xã hội, là hành vi có ý thức.
1.3.Hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội
Điều này thể hiện ở việc tính nguy hiểm cho xã hội của tội trộm cắp tài sản đã ở mức đáng kể. Hành vi ấy gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội, xâm phạm các quan hệ xã hội mà luật này bảo vệ. Nếu như hành vi không gây nguy hiểm đáng kể thì đó không được gọi là TP.
1.4. Hành động có ý thức
Điều 173: Tội trộm cắp tài sản không quy định cụ thể về hành động. Thế nhưng hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hoạt động có ý chí và ý thức. Hành vi ấy được thực hiện bởi chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu do một người không có khả năng điều khiển hành vi mà thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì đó không được coi là hành vi phạm tội.
b,Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội trộm cắp
Hậu quả luôn là một trong những dấu hiệu gắn bó mật thiết với hành vi khách quan của tội phạm. Chỉ khi có hành vi khách quan thì hậu quả mới có thể xảy ra.
Đối với tội trộm cắp tài sản hậu quả nguy hiểm được thể hiện bằng giá trị tài sản mà tội phạm đã chiếm đoạt, thiệt hại gây ra có đáng kể hay không, mức độ đáng kể ấy được quy định trong BLHS như thế nào thì mới có thể kết luận được. Điều 173 BLHS đã quy định việc tài sản bị trộm cắp có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị dưới 2.000.000 đồng mà có 1 trong 5 dấu hiệu sau :
“a, Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b, Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c, Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d,Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ, Tài sản là di vật, cổ vật.”
Trường hợp (a) tức là trước đó đã bị xử phạt về một trong các hành vi: trộm cắp tài sản, cướp tài sản, chiếm đoạt tài sản…. nhưng mức độ nguy hiểm cho xã hội chưa đáng kể. Nếu như tái phạm thì đó lại là hành vi cố ý để hậu quả xảy ra, nó xâm phạm nghiêm trọng đến quan hệ xã hội mà LHS bảo vệ.
Trường hợp (b) nếu trước đó đã bị kết án về một trong các tội: Trộm cắp tà sản, Cưỡng đoạt tài sản; Cướp giật tài sản, Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi trộm cắp tài sản dưới 2.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Trường hợp (c) có nghĩa là chủ thể trộm cắp tài sản dưới 2.000.000 đồng mà có hành vi gây rối trật tự xã hội làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, phá vỡ kỷ cương của xã hội, phá vỡ quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành.
Trường hợp (d) có nghĩa là tài sản bị trộm cắp là nguồn thu nhập chính của gia đình, nếu bị mất đi tài sản đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình họ.
Trường hợp (đ) di vật, cổ vật là những hiện vật được lưu truyền từ lâu đời và có giá trị về mặt lịch sử, khoa học…để xác định được tài sản đó có phải là di vật, cổ vật hay không thì phải căn cứ giám định.
c, Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả
Khi một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nếu hậu quả do chính hành vi khách quan ấy gây ra thì giữa chúng có mối quan hệ nhân quả với nhau. Tức là trong mối quan hệ nhân quả giữa mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản thì hành vi phạm tội được coi là nguyên nhân và thiệt hại gây ra được coi là hậu quả. Mối quan hệ này luôn luôn tồn tại giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
d, Các điều kiện bên ngoài khác
Về địa điểm, thời gian, thủ đoạn, phương tiện, công cụ, phương pháp…..của tội trộm cắp tài sản không được quy định rõ trong Điều 173. Bởi vì tính chất, thủ đoạn và công cụ gây ra hành vi đó là khác nhau, tùy vào hoàn cảnh, quy mô và tùy vào địa điểm thực hiện hành vi. Dó đó các điều kiện này không được mô tả cụ thể.
1.5. Chủ thể của tội trộm cắp tài sản
Chủ thể thực hiện tội trộm cắp tài sản không được quy định rõ ràng trong Điều 173 tuy nhiên dựa vào các Điều luật khác ta có thể hiểu độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi TP trừ những quy định khác, còn chủ thể từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS 2015.
Chủ thể thực hiện tội trộm cắp tài sản ngoài đáp ứng về độ tuổi còn phải đáp ứng được về năng lực trách nhiệm hình sự. Chỉ khi đáp ứng những điều kiện trên thì người thực hiện trộm cắp tài sản mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
1.6 Khách thể của tội trộm cắp tài sản
“Khách thể của TP là quan hệ xã hội được LHS bảo vệ và bị tội phạm xâm hại”
Khách thể của tội trộm cắp tài sản xâm hại đến quan hệ sở hữu đối với tài sản. Tuy không xâm phạm đến nhân thân nhưng tội này có thể gây hại đến trật tự công cộng, an ninh, an toàn của xã hội.
Quan hệ sở hữu đối với tài sản được thể hiện trong BLDS 2015 bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Khi tội trộm cắp tài sản xảy ra đã xâm phạm đồng thời cả ba quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của chủ sở hữu.
1.7. Đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản
“Đối tượng tác động của TP là bộ phận của khách thể của TP bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được LHS bảo vệ”
Đối tượng tác động cụ thể của tội trộm cắp tài sản là tài sản. Mà tài sản này là tài sản hợp pháp của chủ sở hữu.
“Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”
Tài sản là vật được hiểu là một vật cụ thể tồn tại trong thế giới vật chất, có thể tồn tại ở mọi trạng thái. Tài sản này nằm trong sự chiếm hữu của chủ sở hữu và đang có chủ. Vật là tài sản không chỉ là những vật tồn tại hiện hữu mà còn bao gồm cả vật hay tài sản chắc chắn sẽ có. Điều 175 BLDS 2015 đã xác định tài sản này là hoa lợi, lợi tức.
Tiền bao gồm cả tiền Việt Nam và tiền nước ngoài.
Giấy tờ có giá rất đa dạng có thể là; kỳ phiếu, trái phiếu…những loại giấy tờ này có thể định giá được bằng tiền và có giá trị, có thể lưu thông và giao dịch. Giấy tờ có giá lại được chia làm 2 loại là giấy tờ vô danh và hữu danh. Như vậy chỉ giấy tờ có giá vô danh mới có thể trở thành đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản.
Quyền tài sản tồn tại dưới dạng phi vật chất. có thể là quyền tài sản gắn liền với tài sản hoặc quyền tài sản gắn liền với nhân thân. Do vậy quyền tài sản không là đối tượng tác động của tội này vì chỉ có chủ sở hữu mới có quyền sử dụng chúng trong giao dịch dân sự.
- Đánh giá chung
Nhìn chung mô tả cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản đã đáp ứng được những yêu cầu chung của cấu thành tội phạm . Nhưng không thật sự có đầy đủ các yếu tố: mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể, khách thể. Mặt khách quan của cấu thành tội phạm trộm cắp tài sản không được mô tả rõ ràng mà phải ngầm hiểu, dựa vào các quy định khác để căn cứ vì vậy việc áp dụng luật có thể sẽ không được thống nhất. Mặc dù được miêu tả không thật sự chi tiết, có những yếu tố phải ngầm hiểu nhưng nhìn chung mô tả cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản đã được rõ ràng hơn trước đây.
cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản trong Điều 173 được mô tả là cấu thành tội phạm vật chất thể hiện ở việc miêu tả hành vi và hậu quả có thể xảy ra. Tuy nhiên việc mô tả ấy khó có thể phân định rõ ràng giữa các tội trong cùng nhóm tội xâm phạm sở hữu. Vì vậy việc định tội danh đúng đòi hỏi vấn đề chuyên môn cao, có khả năng phân tích, xác định vấn đề đúng đắn, rõ ràng.
"Sản phẩm thuộc FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ"
Tin liên quan
- BCVV Số 01: Ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn 2023-02-07 22:09:31
- CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ( MH02-LV1/17-01) 2021-11-08 15:54:20
- Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. 2023-02-07 22:19:19
- LÀM CHA MẸ HIỆU QUẢ (MH03-LV2/08-01) 2021-11-06 16:00:45
- NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG NHẤT ( MH02-LV1/03-02) 2021-11-06 15:54:56