THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TY CỔ PHẦN
THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TY CỔ PHẦN
Theo Luật doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần đã được quy định như sau:
Điều 111. công ty cổ phần
- công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
- a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
- b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
- c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
- công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Theo quy định trên có thể thấy công ty cổ phần sẽ chia vốn điều lệ thành nhiều phần với số lượng bằng nhau. Bên cạnh đó để thành lập công ty cổ phần cần ít nhất 03 thành viên là cổ đông sáng lập. công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản và nghĩa vụ trả nợ. Với loại hình công ty trên các cổ đông có thể tự do chuyển nhượng cổ phần, công ty cổ phần cũng được linh hoạt về số vốn và cách thức huy động vốn. công ty cổ phần có tư cách pháp nhân, được nhân danh chính mình khi tham gia các giao dịch. Đặc biệt với loại hình doanh nghiệp này công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán.
Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty[1]. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành, cá nhân, tổ chức tự do quyết định mức vốn điều lệ cụ thể khi đăng ký thành lập công ty. Không có một con số cụ thể. Việc xác định vốn điều lệ còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà công ty dự định hoạt động.Tùy vào từng ngành nghề mà công ty cổ phần đăng kí sẽ có mức vốn pháp định khác nhau. Ví dụ như số vốn tối thiểu để thành lập công ty tài chính là 500 tỷ đồng, Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 5 tỷ đồng, ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển là 5000 tỷ đồng….
Tuy nhiên, nếu thành lập công ty cổ phần với mong muốn được niêm yết lên sàn chứng khoán hoặc chào bán chứng khoán ra công chúng để trở thành công ty đại chúng, mệnh giá cổ phần phải là 10.000 đồng/1 cổ phần.
Ngoài ra công ty có thể tăng, giảm vốn điều lệ trong những trường hợp theo luật quy định.
Khi đã đăng kí mua cổ phần, các cổ đông phải thanh toán đầy đủ số tiền trong thời hạn 90 từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Quy định trên của Luật doanh nghiệp năm 2020 đã tạo sự thuận lợi cho NĐT khi góp vốn mua cổ phần tại công ty cổ phần. Bởi lẽ, với thời hạn 90 ngày linh hoạt trong thanh toán tiền mua cổ phần sẽ giúp cho NĐT có thể thu xếp tài chính để tham gia công ty với mức góp vốn cao nhất có thể, thay vì chỉ góp trọn góp một lần tại thời điểm thành lập thì cứng nhắc, gây khó cho họ. Các cổ đông phải có nghĩa vụ thanh toán cổ phần đã đăng kí mua, nếu cổ đông nào thực hiện góp vốn bằng tài sản thì cần thực hiện các thủ tục hành chính để chuyển quyền tài sản đó. Nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình cổ đông sẽ mất đi những quyền lợi: nếu chưa thanh toán số cổ phần đã đăng kí cổ đông sẽ không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác, cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác; cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
Tuy nhiên thực tiễn khi thực hành Luật doanh nghiệp lại cho thấy quy định của Luật về vốn điều lệ của công ty cổ phần bộc lộ một số hạn chế sau đây:
Thứ nhất, tạo ra tình trạng vốn “ảo” của công ty cổ phần khi thành lập: Ngày 20/5/2021, công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) được thành lập, trụ sở chính tại tầng 46 tòa Tòa nhà BITEXCO (Quận 1, TP.HCM) đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh vốn điều lệ đăng ký lên đến 500.000 tỷ đồng, với chỉ 3 cổ đông cá nhân. Các nhà sáng lập công ty này đã đăng ký mức vốn “khủng” với mục đích khó đoán định, gây khó cho hoạt động quản lý nhà nước, làm méo mó quy định có tính linh hoạt tại Luật doanh nghiệp năm 2020, gây ra những rủi ro cho các đối tác trong quan hệ thương mại, dân sự trong nền kinh tế.
Thứ ba, chế tài xử lý hành vi gian dối của NĐT trong góp vốn vào vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm thành lập còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Theo quy định của Điều 43 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (Nghị định số 122), mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả việc kê khai, đăng ký không trung thực số vốn của doanh nghiệp khi thành lập. Và biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.
Như vậy, mức phạt tiền tại Nghị định số 122 đối với hành vi đăng ký vốn ảo của NĐT là còn thấp so với mặt bằng kinh tế hiện nay tại Việt Nam, chưa đủ sức răn đe, trong khi hành vi vi phạm trên có thể gây những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế như làm mất niềm tin của các NĐT vào quy định thông thoáng của Luật doanh nghiệp năm 2020, dễ phát sinh các doanh nghiệp “ma” đăng ký vốn khủng để khuếch trương thanh thế trước đối tác, tham gia đấu thầu dự án, đấu giá tài sản với số vốn không có thực trong nền kinh tế.[2]
Luật đã quy định rõ về cổ phần trong đó khi thành lập công ty cổ phần cần phải có cổ phần phổ thông và người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông. Điều này có nghĩa là: Cổ phần phổ thông là cổ phần bắt buộc phải có của doanh nghiệp, được phân chia dựa trên vốn điều lệ của công ty, các cổ đông sở hữu loại cổ phần này được quyền chuyển nhượng, có quyền biểu quyết đối với các quyết định của công ty tại Đại hội đồng cổ đông và hưởng cổ tức theo kết quả kinh doanh, số lượng phiếu họ nắm giữ theo quy định pháp luật và điều lệ công ty.
Ngoài ra luật còn quy định các loại cổ phần ưu đãi khác bao gồm:
+ Cổ phần ưu đãi cổ tức
+ Cổ phần ưu đãi hoàn lại
+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết
+ Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
Như vậy có thể khái quát luật chia cổ phần ra làm hai loại: cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Sở dĩ người ta không gộp lại làm một loại cổ phần là do công ty cổ phần có cơ chế quản lý phức tạp, trong khi đó hình thức góp vốn vào công ty lại đa dạng, mỗi hình thức góp vốn cần phải tương ứng với một loại cổ phần nên cần phải chia ra như vậy.
[1] Khoản 1 Điều 112 Luật DN 2020.
[2] TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị (2022), Hoàn thiện các quy định của pháp luật về xác định vốn điều lệ của CTCP tại thời điểm thành lập, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 09 (457), tháng 05/2022.
"Sản phẩm thuộc FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ"
Tin liên quan
- BCVV Số 01: Ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn 2023-02-07 22:09:31
- CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ( MH02-LV1/17-01) 2021-11-08 15:54:20
- Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. 2023-02-07 22:19:19
- LÀM CHA MẸ HIỆU QUẢ (MH03-LV2/08-01) 2021-11-06 16:00:45
- NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG NHẤT ( MH02-LV1/03-02) 2021-11-06 15:54:56