TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ
Kỹ năng sống là gì? Tại sao phải giáo dục kỹ năng sống cho trẻ?
Đối với sự phát triển của trẻ mà nói, chỉ rèn luyện thể chất và trí tuệ thôi là chưa đủ, mà chúng ta còn phải quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng sống cho trẻ. Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển nhân cách sau này của trẻ nhỏ. Chính vì vậy, trẻ luôn phải được trang bị những kỹ năng sống để từ đó định hướng phát triển cá nhân một cách tốt nhất. Việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ phải được thực hiện một cách nghiêm túc và đây đủ, đặc biệt là trong giai đoạn từ mầm non cho đến tiểu học. Vậy, bố mẹ cần phải quan tâm phát triển những kỹ năng gì cho con?
Trước hết, chúng ta phải hiểu kỹ năng sống là gì. Kỹ năng sống là các hành vi tích cực và khả năng thích nghi cho phép mỗi cá nhân đối phó hiệu quả với các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày; tức là khả năng tâm lý xã hội bao gồm việc đưa ra quyết định khi làm một điều gì đó, khả năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo trong học tập và hành động, tư duy phản biện/sáng suốt khi gặp những ý kiến trái chiều, khả năng giao tiếp hiệu quả, xây dựng các mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân, sự tự ý thức về bản thân/trách nhiệm của mình, quyết đoán hướng tới một quyết định, đồng cảm với những người xung quanh, tâm xả với những vấn đề mình không thể vươnt qua, khả năng đối phó với căng thẳng, tổn thương và mất mát, khả năng phục hồi tâm lý…
Kỹ năng sống được hoàn thiện dần bằng nhiều phương pháp khác nhau, cùng với những mức độ khác nhau tùy vào môi trường sống và giáo dục, mà mỗi trẻ lại có môi trường sống và giao tiếp khác nhau nên mức độ hoàn thiện về kỹ năng sống cũng không giống nhau...Những hoạt động tích cực của thầy cô bạn bè cũng như gia đình, đồng thời hướng vào những hoạt động cá nhân hoặc một nhóm trẻ sẽ giúp trẻ có thể ứng phó hiệu quả với các tình huống, thách thức trong cuộc sống hàng ngày.
Giáo dục kỹ năng sống là cơ sở để trẻ làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, thích nghi, học tập hiệu quả, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, ứng phó tích cực trong các tình huống của cuộc sống.
Nâng cao kỹ năng sống luôn gắn bó với các giá trị bền vững, là nền tảng vững chắc được đúc kết và dựng xây nhờ sự tôn trọng, sống trách nhiệm, sẻ chia, yêu thương, sự tự tin, bản lĩnh, sự sáng tạo, lòng ham học hỏi, khẳng định bản thân... Các giá trị này được truyền lại giúp trẻ sau này có thể trở thành con người sống có kỷ cương, nề nếp, có lối sống văn hoá lành mạnh và góp phần vào sự tiến bộ chung của xã hội.
Kỹ năng sống thúc đẩy sự phát triển của trẻ. Từ những trẻ em trở thành người lớn và từ đó tạo nên cộng đồng vững mạnh, có chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo nên một xã hội có văn hóa. Kỹ năng sống được hình thành thông qua giáo dục, đào tạo, rèn luyện cũng như trải nghiệm riêng của trẻ. Việc học hỏi các kỹ năng sống từ sớm sẽ giúp cho trẻ phát triển nhanh và bền vững hơn.
Mặt khác, các kỹ năng sống có liên quan và hỗ trợ cho nhau. Ví dụ như kỹ năng nhận biết và giải quyết vấn đề sẽ góp phần phát triển tư duy trừu tượng cũng như kỹ năng phản biện để giúp ích cho trẻ sau này. Vì vậy, mắt xích kỹ năng sống sẽ ngày càng được hoàn thiện và củng cố.
Rèn luyện kỹ năng sống sẽ giúp trẻ nhanh chóng hoà nhập và khẳng định mình, bước đi trên con đường riêng của trẻ sau này và hơn thế nữa, đó là việc củng cố, phát triển đất nước, phát triển xã hội. Bởi lẽ kiến thức, kỹ năng và thái độ sống luôn là ba yếu tố cấu thành nên sức mạnh và ý chí của một con người. Vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng sống là vô cùng cần thiết.
Nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển dựa trên những yếu tố tâm lý mà trẻ tiếp nhận được từ gia đình và xã hội. Vì vậy, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ còn là bệ đỡ để giúp cho trẻ hoàn thiện về nhân cách, sống tích cực và làm chủ chính mình, hướng tới những điều lành mạnh và tránh xa cái xấu.
Trong thời buổi trẻ tiếp xúc với mạng xã hội sớm như ngày nay, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ lại càng phải được ưu tiên. Tác động của mạng xã hội ngay từ sớm sẽ có nhiều yếu tố tác động đến trẻ. Vì vậy, kỹ năng sống càng giúp các em biết được những điểm tích cực, điểm hạn chế của mạng xã hội để có cái nhìn đúng đắn nhất.
Như vậy, vai trò của kỹ năng sống có thể nói là quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của trẻ. Bố mẹ cần phải chú trọng đến sự phát triển của con mình thông qua rèn luyện kỹ năng sống.
"Sản phẩm Của FTC Việt Nam. Lưu Hành Nội Bộ"
Tin liên quan
- BCVV Số 01: Ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn 2023-02-07 22:09:31
- CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ( MH02-LV1/17-01) 2021-11-08 15:54:20
- Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. 2023-02-07 22:19:19
- LÀM CHA MẸ HIỆU QUẢ (MH03-LV2/08-01) 2021-11-06 16:00:45
- NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG NHẤT ( MH02-LV1/03-02) 2021-11-06 15:54:56