Quy Tắc Văn Hóa & Ứng Xử Trong FTC
Công ty Cổ phần Đầu tư FTC Việt Nam là một công ty kinh doanh đa ngành, đa nghề. Hiện tại công ty đang có các trung tâm đã và đang hoạt động kinh doanh
BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ VĂN HÓA – VĂN MINH DOANH NGHIỆP FTC ONE
(ÁP DỤNG VÀ LƯU HÀNH NỘI BỘ)
LỜI MỞ ĐẦU
Công ty Cổ phần Đầu tư FTC Việt Nam là một công ty kinh doanh đa ngành, đa nghề. Hiện tại công ty đang có các trung tâm đã và đang hoạt động kinh doanh:
- Phòng khám YHCT Bảo Xuân Đường.
- Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp, Doanh Nhân Khởi nghiệp FTC .
- Nhà nghỉ, nhà trọ Bình Dân FTC.
- Trung tâm Sản xuất và khăc dấu FTC.
Trong xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu, ngoài nhiệm vụ kinh doanh sản phẩm dịch vụ, Công ty Cổ phần Đầu tư FTC Việt Nam luôn gắn trách nhiệm của mình cùng cộng đồng, cùng xã hội để cùng phát triển. Công ty đã và đang xây dựng hình ảnh mang đậm nét đặc sắc riêng cùng thương hiệu FTC GROUPS.
Căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu, phương châm, công ty xây dựng nên Bộ quy tắc ứng xử văn hóa nhằm đưa ra những chuẩn mực đạo đức và kim chỉ nam cho toàn bộ nhân viên công ty, cộng tác viên, đại lý để thực hiện trong quá trình kinh doanh, giao tiếp với khách hàng.
Bộ quy tắc ứng xử văn hóa này sẽ giúp tất cả nhân viên FTC Groups định hướng và hoàn thiện tốt bản thân, tạo dựng hình ảnh bản thân, của công ty góp phần quan trọng để Công ty Cổ phần Đầu tư FTC Việt Nam không ngừng phát triển, lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng.
NỘI DUNG CHI TIẾT
I. QUY TẮC ỨNG XỬ NỘI BỘ
1. Ứng xử với Cá nhân:
1.1. Lãnh đạo với Nhân viên:
Luôn động viên, khích lệ các nhân viên, người lao động trong công ty, học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng, kiến thức, phát huy sáng kiến áp dụng vào thực tiễn hoạt động kinh doanh, lao động, sản xuất cũng như tổ chức quản lý đạt được hiệu quả cao.
Đảm bảo việc làm ổn định cho nhân viên lao động. Mọi nhân viên luôn được quan tâm, chăm sóc đầy đủ quyền lợi theo quy định pháp luật. Thực hiện chế độ đãi ngộ, công bằng minh bạch, nhân viên phải được đánh giá đúng năng lực, kết quả lao động đạt được thăng tiến. Đồng thời, kịp thời biểu dương khen thưởng những cá nhân đạt thành tích xuất sắc và thi hành các hình thức kỷ luật phù hợp theo quy chế, quy định công ty với những nhân viên, người lao động chưa thực sự tốt.
1.2. Nhân viên đối với lãnh đạo:
Luôn tôn trọng, có thái độ nghiêm túc, lịch sự khi giao tiếp với lãnh đạo. Hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật đào tạo, góp phần xây dựng, phát triển công ty.
Tôn trọng ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo. Khi có ý kiến đóng góp cần trình bày thẳng thắn, trực tiếp trên tinh thần xây dựng, học hỏi.
1.3. Nhân viên với đồng nghiệp:
Luôn tôn trọng, có thái độ khiêm tốn, chân thành, tác phong vui vẻ, nhiệt tình, hòa đồng. Tôn trọng đồng nghiệp, kính trên nhường dưới tạo không khí làm việc năng động, vui tươi.
Có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái sẵn sàng giúp đỡ nhau trong công việc, trong cuộc sống.
Luôn có tinh thần học hỏi kinh nghiệm, trao đổi góp ý cùng nhau hoàn thiện.
Chủ động phối hợp khi được bàn giao công việc cùng thực hiện. Khi bất đồng ý kiến công việc cần báo cáo với lãnh đạo để tìm ra hướng giải quyết. Không đùn đẩy, né tránh, ghen ghét đố kỵ nhau.
1.4. Nhân viên ứng xử với Công việc:
Mọi hành động, lời nói phải tuân theo quy định của pháp luật, của FTC.
Luôn đề cao trách nhiệm cá nhân. Thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc, chân thành, thẳng thắn, khắc phục khó khăn được giao.
Toàn tâm, toàn ý trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo chính xác, hiệu quả.
Thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của lãnh đạo quản lý trực tiếp, trường hợp có sự chỉ đạo của lãnh đạo thì phải tuân thủ theo sự chỉ đạo nhưng phải báo cáo với lãnh đạo quản lý trực tiếp về việc thực hiện quyết định đó.
1.5. Ứng xử trong việc sử dụng và bảo quản tài sản công:
Nhân viên toàn FTC phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo quản tài sản công (kể cả tài sản giao riêng cho từng cá nhân), đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng công việc tránh lãng phí. Không sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân, không tự ý mang tài sản ra khỏi phòng khi chưa được sự cho phép quản lý.
Thực hiện nghiêm chỉnh mọi nội quy, quy định cơ quan, tiết kiệm năng lượng điện khi không sử dụng.
1.6. Ứng xử trong bảo mật thông tin:
Nhân viên trong công ty phải chấp hành nghiêm các chế độ bảo mật thông tin theo quy định. Nếu không được phép của lãnh đạo quản lý thì không được gửi hồ sơ tài liệu công ty hoặc sao chụp ra ngoài dưới bất kỳ hình thức nào.
Bí mật và bảo mật thông tin, tài liệu, dữ liệu của Công ty, của Khách hàng, của Cá nhân nhân viên trong công ty là điều hết sức là tuyệt đối. Không có vùng loại trừ cho những cá nhân vi phạm.
1.7. Ứng xử khi đi công tác:
Đảm bảo tuân thủ đúng nội dung, thời gian làm việc đã được lãnh đạo phê duyệt. Không gây khó khăn, không lạm dụng, lợi dụng nhiệm vụ được giao để thực hiện hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm nội quy quy định.
1.8. Khi đi công tác tại nước ngoài:
Tuân thủ đúng chương trình, nội dung, lịch trình làm việc.
Tuân thủ pháp luật lễ nghi, phong tục tập quán nước sở tại.
Ứng xử phù hợp theo nghi thức trong quá trình công tác.
Thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao phó.
1.9. Đối với môi trường:
Luôn cam kết giữ gìn và bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tham gia hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường.
Nội quy, quy định của công ty phải được treo ở vị trí dễ nhìn, dễ đọc, dễ hiểu.
1.10. Ứng xử trong gia đình:
Luôn kính trên nhường dưới, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Nuôi dạy con cái thành con ngoan, trò giỏi, thành người tốt có ích cho xã hội.
Hướng dẫn vận động người thân trong gia đình, bạn bè gương mẫu chấp hành đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Không để người thân trong gia đình lợi dụng vị trí công tác của mình để trục lợi cá nhân và làm việc trái pháp luật.
1.11. Ứng xử nơi cư trú:
Gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách Pháp luật Nhà nước.
Cư xử đúng mực, không phân biệt giàu nghèo, không kỳ thị chủng tộc, màu da.
Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các cuộc vận động, quyên góp từ thiện nơi cư trú.
Kiên quyết bài trừ thói hư, tật xấu các hủ tục lạc hậu.
1.12. Ứng xử nơi công cộng:
Chấp hành nghiêm các quy định của Pháp luật, quy tắc sinh hoạt nơi công cộng. Tự giác tham gia giữ gìn trật tự an ninh xã hội.
Ứng xử văn minh lịch sự đúng thuần phong mỹ tục giao tiếp. Không phô trương tạo thanh thế cá nhân.
1.13. Ứng xử khi giải quyết bất đồng trong nội bộ:
Thẳng thắn trao đổi, giải quyết trên tinh thần cầu thị, giúp nhau cùng tiến bộ, đặt lợi ích công việc lên trên. Trong trường hợp bất đồng trở thành mâu thuẫn nội bộ thì lãnh đạo trực tiếp có trách nghiệm giải quyết.
1.14. Các hành vi bị nghiêm cấm:
Tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa của công ty, của lãnh đạo để giải quyết việc cá nhân làm mất uy tín của công ty.
Không trù dập hay có những hành vi chia rẽ, phân biệt đối xử với người bất đồng quan điểm.
Không tham gia cộng tác với các cá nhân, tổ chức bên ngoài có mâu thuẫn, xung đột lợi ích với công ty.
Không được uống rượu, bia, dùng chất kích thích hoặc làm việc riêng gây mất trật tự trong giờ làm việc.
II. QUY TẮC ỨNG XỬ VỚI BÊN NGOÀI
1. Ứng xử đối với cơ quan cấp trên, địa phương:
1.1. Cam kết với Đảng và Chính phủ:
Công ty cam kết thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Nghiêm chỉnh thực hiện các văn bản chỉ đạo của Pháp luật và Nhà nước.
1.2. Cam kết với địa phương sở tại:
Tuân thủ quy định của chính quyền địa phương. Động viên, khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động xã hội địa phương. Phối hợp với các cấp chính quyền để giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
Luôn giữ mối quan hệ thân thiện với địa phương khi làm việc.
2. Ứng xử với khách hàng, đối tác:
2.1. Ứng xử với khách hàng:
Mỗi nhân viên khi giao tiếp với khách hàng phải thể hiện được thái độ thân thiện, văn minh lịch sự, tôn trọng khách hàng, tác phong nhanh nhẹn, trách nhiệm và tận tâm.
Luôn giải quyết công việc đảm bảo đúng quy định của công ty, tôn trọng, lịch sự khi giao tiếp với khách hàng.
Thường xuyên trau dồi tiếp thu thông tin sản phẩm kinh doanh, dịch vụ đảm bảo khách hàng luôn nhận được thông tin chân thực, đầy đủ.
Khi khách hàng thắc mắc, yêu cầu giải đáp thì nhân viên phải hướng dẫn, giải thích, thỏa đáng.
2.2. Ứng xử với đối tác:
Tôn trọng đối tác trên nguyên tắc hợp tác bình đẳng, tôn trọng hướng đến sự hợp tác lâu dài.
Giải quyết công việc trên tinh thần tuân thủ Pháp luật và tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên.
Khi làm việc với các đối tác nước ngoài hay đi công tác nước ngoài mỗi nhân viên công ty tôn trọng, tuân thủ luật pháp, văn hóa nước bạn. Tuyệt đối không thực hiện hành vi ép buộc, níu kéo, lợi dụng nhằm trục lợi cá nhân.
III. CÁC NGHI THỨC ỨNG XỬ CỤ THỂ
1. Văn hóa chào hỏi:
1.1. Văn hóa chào:
Hãy đứng lên khi gặp gỡ một ai đó: Đứng với tư thế đĩnh đạc, mắt nhìn thằng người đối diện thể hiện sự tôn trọng
Mỉm cười: Hãy luôn tươi cười khi chào đón khách hàng, gặp gỡ, trao đổi.
Thể hiện sự giao tiếp bằng mắt: Ánh mắt thân thiện thể hiện thiện chí. Tập trung sự quan tâm, chú ý đến người đang giao tiếp
Hãy chủ động giới thiệu bản thân, giới thiệu tên, chức danh.
Khi người được chào đang bận giao tiếp với người khác: Có thể chỉ cần cười hoặc gật đầu.
Thứ tự ưu tiên chào: Nhân viên chào cấp trên trước, khi được chào, cấp trên chào lại; Đồng nghiệp cùng cấp: người ít tuổi chào người nhiều tuổi trước.
1.2. Văn hóa bắt tay:
Khi bắt tay hãy nhìn thẳng vào mắt người đối diện, mỉm cười khi bắt tay.
Phải đứng khi được giới thiệu với một người khác và bắt tay bằng tay phải. Bạn phải đứng thẳng và đối diện với người kia
Bắt tay với tư thế bình đẳng, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau
Bắt tay theo thứ tự đến trước, đến sau, người cao tuổi hơn, người có chức vụ cao hơn.
Không cúi lưng hoặc cầm lấy cả hai tay khi người đối diện bắt tay.
Không tỏ thái độ khúm núm, dù đối tượng là nhân vật quan trọng đến đâu.
Giữ gìn vài giây khi bắt tay thay vì nắm hờ tay và bỏ ra ngay và hãy bắt đầu nói trước khi buông tay
1.3. Văn hóa giới thiệu và tự giới thiệu
Giới thiệu:
- Giới thiệu người có địa vị thấp cho người có địa vị cao.
- Giới thiệu tên đi kèm theo chức vụ.
- Giới thiệu người trong cơ quan trước với đối tác.
Tự giới thiệu:
- Với đối tác, giới thiệu ngắn gọn về tên, bộ phận làm việc tại công ty
- Tránh rườm rà. Thái độ giới thiệu lịch sự, khiêm nhường.
2. Văn hóa làm việc
2.1. Văn hóa trang phục khi làm việc
Nhân viên của công ty phải mặc áo đồng phục theo quy định thống nhất trong toàn công ty. Chấp hành đúng nội quy, quy chế của công ty, nhất thiết phải đeo thẻ tên trong thời gian làm việc và trong các giao dịch của công ty.
2.2. Văn hóa nơi làm việc:
Giữ gìn nơi làm việc sạch đẹp, văn minh. Chấp hành tốt mọi nội quy, quy chế công ty.
Sắp xếp các vật dụng, dụng cụ và thiết bị làm việc một cách khoa học, ngăn nắp.
Không tự ý sử dụng tài liệu, đồ dùng cá nhân của người khác khi chưa có sự đồng ý, cho phép.
Không ăn vặt, hút thuốc lá trong giờ làm việc
Không tụ tập, tán gẫu ồn ào làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Có ý thức tiết kiệm điện, tắt điện điều hòa khi không sử dụng
2.3. Văn hóa khi làm việc:
Khi đi công tác: đảm bảo đúng thời gian không chậm trễ gây phiền phức.
Trường hợp đến muộn, nghỉ đột xuất thì phải báo cáo với quản lý trực tiếp
Không uống rượu, bia trong giờ làm việc.
Lời nói nhẹ nhàng, ngắn gọn, truyền cảm, tránh cắt ngang khi người khác nói
Thái độ nghiêm túc khi làm việc, nhiệt tình cởi mở khi được trao đổi ý kiến. Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.
2.3. Văn hóa nghe, gọi điện thoại:
Đối với điện thoại cá nhân: Để chuông vừa nghe tránh làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh; không nói to, cười lớn, diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu; Khi họp để chuông chế độ rung, hạn chế nghe điện thoại trong giờ họp.
Đối với điện thoại cơ quan: Để chuông vừa phải, không trả lời muộn quá 3 hồi chuông. Khi nhận điện thoại câu đầu tiên: Alô + Tên mình/tên đơn vị + Xin nghe. Giọng nói lịch sự, lắng nghe lời người khác nói, không cắt ngang.
Khi nghe hoặc gọi điện thoại: Không nên tranh cãi qua điện thoại, luôn luôn giữ bình tĩnh, hòa nhã. Nếu không giải quyết được nên gặp trực tiếp trao đổi.
2.4. Văn hóa giờ giấc
Đến trước ít nhất 5 phút trước các buổi họp, đi công tác. Luôn hiểu rõ mục đích cuộc họp, chuyến đi công tác.
Nếu đột xuất không tham gia được buổi họp hoặc chuyến đi công tác vì lý do chính đáng phải báo ngay với quản lý lãnh đạo trực tiếp.
3. Các hình thức cụ thể:
3.1. Đối với Quầy tiếp đón:
- Khi có bất kỳ một khách hàng, ứng cử viên, người lạ mặt, không phải là nhân viên của Công ty thì tất cả những nhân viên ngồi tại bàn quầy phải đứng lên. Đứng thẳng người, mắt nhìn thẳng vào mắt, mỉm cười. Đại diện một người thực hiện chào hỏi theo đúng quy tắc bên trên. Tay phải mở bàn duỗi thẳng bàn tay, đặt áp sát ngang ngực, nhẹ cúi đầu thực hiện lời chào (chào anh, chào chị, chào cô, bác…), em xin mời Anh, Chị, Em, Cô, Dì, chú bác, ngồi.
- Sau khi đã chào hỏi xong thì mời khách hàng, người lạ ngồi xuống ghế đối diện, trước bàn quầy luôn để 03 ghế cố định, đối diện với bàn quầy, nhân viên.
- Lấy ½ cốc nước mời khách hàng, người lạ uống trước khi bắt đầu câu chuyện liên quan. Bình nước và cốc nước để sau lưng của nhân viên trực. Nhân viên có ý tự động thay nhau lấy nước mời khách. Sau đó khách thực hiện nghiệp vụ nào thì mời ngồi đối diện với vị trí đó. Cụ thể:
+ Đối với Hành chính nhân sự: Khách đến liên hệ công tác, phỏng vấn, giải quyết hành chính liên quan, khách văn phòng. Thực hiện giải quyết các Vấn đề Hành chính nhân sự trong công ty
+ Đối với Nhân viên Kế toán, Bán hàng Y Dược: Khách đến thăm khám, thực hiện dịch vụ điều trị chăm sóc, giao tiếp liên quan đến lĩnh vực y dược.
+ Đối với Nhân viên kinh doanh – Chăm sóc khách hàng: Thực hiện nghe trực điện thoại, trả lời điện thoại, thực hiện giao tiếp bán hàng, chăm sóc đại lý cộng tác viên, các vấn đề liên quan đến Kinh doanh dịch vụ.
+ Đối với nhân viên Khác: Thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến chuyên môn mình được giao phụ trách.
- Sau khi đã khai thác các yêu cầu. Thì nhân viên trực quầy thực hiện nhiệm vụ nào có trách nhiệm nhắn tin qua zalo thông báo cho các phòng ban liên quan, xin ý kiến tiếp đón, hoặc trả lời theo chỉ đạo. Khi trả lời thì dùng cụm từ: Ý kiến của Ban Lãnh đạo Công ty, ……… (nói nguyên nhân). Tuyệt đối không dùng danh nghĩa của bất kỳ cá nhân nào để đối thoại. Nếu có ý kiến đồng ý gặp, tiếp của các phòng ban liên quan thì dẫn khách đến gặp phòng ban đó. Tuyệt đối không để cho khách tự đi ra vào không có chủ đích.
3.2. Quy tắc Chào hỏi:
- Đầu giờ sáng, cuối giờ làm của nhân viên đối với nhân viên: Gặp nhau đầu giờ sáng là xưng hô, Em chào anh, chị, chào em. Chúc anh chị em ngày mới tốt lành. Người nhỏ tuổi chào người lớn tuổi, chức vụ lớn thì người ít tuổi để tay lên ngực, duỗi thẳng mu bàn tay, cùng lúc đó nói lời chúc. Khi bước vào cửa công ty thì nên đi chậm chãi, nhẹ nhàng, đã cơi đồ khăn, áo mũ, gọn gàng từ ngoài cửa, để khi bước vào của công ty thì đã gọn gàng ngăn nắp. Thực hiện chào hỏi.
- Đầu giờ sáng, cuối giờ của Nhân viên đối với Lãnh đạo Doanh nghiệp: Em Chào Sếp – Một ngày mới tốt lành. Và đồng thời tay để trước ngực.
- Nhân viên gặp các khách hàng, khi họ đến hoặc đã ở trong văn phòng, mà có gặp thì chỉ cần để tay treo ngực và em chào anh, chào chị, cô chú,….
3.3. Đối với giao tiếp tiếp khách khi khách đến làm việc với Ban lãnh đạo:
- Đưa mời khách vào phòng làm việc của Lãnh đạo, mời khách ngồi, rồi tiến hành pha nước chè, giót mời khách. Ngồi cùng để chủ động tiếp khách, rót nước, lấy đĩa bánh kẹo, hoa quả (nếu có), ghi chép cần thiết cuộc trao đổi hoặc đi mời lãnh đạo Doanh nghiệp xuống. Phụ trách nhiệm vụ này là Ban Hành chính nhân sự. Khi không cần ngồi cùng thì lãnh đạo sẽ ra dấu hiệu lúc đó lui ra ngoài sau.
- Đối với khách của các phòng ban khác thì mời lên Phòng họp và mời ngồi đợi, rồi báo phòng ban liên quan đến đón tiếp.
- Đối với khách là đoàn thể tổ chức như Công Đoàn, Huyện Đoàn, Huyện Ủy, cấp chính quyền cơ sở,… thì xem liên hệ gặp ai thì chủ động xin ý kiến và thực hiện mời khách theo đúng quy định.
3.4. Đối với các tổ chức xã hội:
- Công Đoàn Công ty: Thực hiện sinh hoạt vào ngày 25 hàng tháng. Là toàn thể thập thể cán bộ công nhân viên của Công ty. Thực hiện theo điều lệ của tổ chức Công Đoàn Việt Nam. Tham gia xây dựng phong trào Công Đoàn Doanh nghiệp vững mạnh cả về tổ chức lẫn chất lượng. Ban Lãnh đạo Công Đoàn có những hoạt động, tham mưu góp ý cho ban giám đốc công ty những ý kiến xây dựng doanh nghiệp văn minh, tiến bộ. Giúp cho các đoàn viên có được môi trường sinh hoạt, làm việc tốt nhất. Giúp đỡ đời sống nhân viên cùng tiến bộ. Quỹ xây dựng công đoàn mà mỗi đoàn viên đóng góp là 1.00.000đồng/tháng. Ban giám đốc công ty ủng hộ 500.000 đồng/tháng. Quỹ phục vụ mục đích sinh hoạt hoạt động của Tổ chức, thăm hỏi ốm đau các thành viên. Chủ tịch Công đoàn và Ban chấp hành Công đoàn tích cực tìm phương hướng phát triển xây dựng thêm quỹ, để quỹ thực sự là lớn mạnh. Danh mục thực hiện chi, do ban chấp hành xây dựng, trình đại hội thông qua, trình ban giám đốc tham mưu.
- Chi Bộ Đảng: Thực hiện theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện theo hướng dẫn để phát triển Đảng Viên mới. Cử những Đoàn viên ưu tú đi học cảm tình Đảng, để xây dựng Chi Bộ Đảng vững mạnh.
IV. QUY CHẾ THƯỞNG & PHẠT:
1. Quy tắc Thưởng: Thực hiện theo Quy định hiện hành và các văn bản, thông báo của Ban lãnh đạo Doanh nghiệp.
2. Quy tắc Phạt: Thực hiện theo Quy định hiện hành và các văn bản, thông báo của Ban Lãnh đạo Doanh nghiệp.
V. LỜI KẾT
Bộ quy tắc ứng xử của Công ty Cổ phần Đầu tư FTC Việt Nam được xây dựng trên nền tảng quy chế, cơ chế của Công ty.
Bộ quy tắc ứng xử văn hóa khi áp dụng thực tiễn sẽ phát huy được năng lực của từng nhân viên công ty, là động lực thúc đẩy cho nhân viên, thúc đẩy sự phát triển công ty thực thi có hiệu quả công tác chuyên môn, xây dựng nên một tác phong chuyên nghiệp làm việc cùng thái độ làm việc văn minh, lịch sự.
Hi vọng bộ quy tắc ứng xử văn hóa sẽ là quy định chuẩn mực để mỗi nhân viên hoàn thiện bản thân, góp phần cho công ty ngày một phát triển, phục vụ khách hàng với chất lượng, dịch vụ ngày càng tốt đảm bảo sự hài lòng cho khách hàng.
Bộ Quy tắc ứng xử này được áp dụng kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2018. Áp dụng cho toàn thể nhân viên trong công ty. Những nhân viên ra nhập FTC Groups sau ngày 10 tháng 10 năm 2018 thì mặc nhiên mặc định thừa nhận và chấp hành bản Quy tắc này.
Quy tắc này được phát cho tất cả các Phòng Ban liên quan. Cá nhân thì tải trực tiếp từ Zalo nhóm về.
TM BAN TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY./.
(Đã ký ban hành)