Quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng tín dụng.

Quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng tín dụng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung 2017, trước khi xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra việc sử dụng tiền vay, tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp và đặc biệt là biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng. Hiện nay, các biện pháp để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng tín dụng được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và nghị định 21/2021. Nhìn chung, các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ bao gồm 2 loại, đó là: biện pháp bảo đảm bằng tài sản (cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, kí quỹ) và biện pháp bảo đảm không bằng tài sản (tín chấp)

1. Biện pháp bảo đảm bằng tài sản (cầm cố, thế chấp và một số tài sản bảo đảm khác)

Trong hoạt động tín dụng tại các tổ chức tín dụng, để đề phòng rủi ro từ hoạt động này, những biện pháp bảo đảm được dùng đảm bảo phải phù hợp với đặc điểm và bản chất của hoạt động. Và những biện pháp bảo đảm thường được các tổ chức tín dụng áp dụng trong hợp đồng tín dụng là các biện pháp: thế chấp, cầm cố, bảo lãnh và kí quỹ. Bên cạnh việc quy định một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản khác nhau trong khoản 1 Điều 296, nghị định 21/2021 đã quy định rằng “Một nghĩa vụ có thể được đảm bảo thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau”. Có thể nói, đây chính là sự tiến bộ trong nghị định 21/2021 khi quy định về biện pháp bảo đảm nghĩa vụ.

Tài sản bảo đảm được dùng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ được quy định cụ thể trong Điều 295 Bộ luật dân sự 2015 và Chương II nghị định 21/2021. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu. Những tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu. Trong đó, nghị định 21/2021 cũng quy định chi tiết hơn về các tài sản như: tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng; Vật có vật phụ, vật đồng bộ, vật đặc định; Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi; Tài sản hình thành từ việc góp vốn; Dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư; Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh và kho hàng. Ngoài ra, tài sản để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ còn có thể là các quyền tài sản như: (i) quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; (ii) quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng; (iii) quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên; (iv) quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học công nghệ.

Và trong 09 các biện pháp được quy định của pháp luật, trên thực tế, biện pháp được sử dụng phổ biến nhất trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đó là thế chấp và cầm cố. Chính vì vậy, bài viết sẽ làm rõ và phân tích chi tiết hai biện pháp này. Ngoài ra, còn có một số biện pháp như bảo lãnh, kí quỹ không được sử dụng thường xuyên nên sẽ được thể hiện một cách khái quát nhất trong bài làm.

1.1. Biện pháp thế chấp tài sản

Xem xét trong quan hệ của hợp đồng tín dụng, căn cứ vào Điều 317 Bộ luật dân sự 2015, thế chấp là việc bên bảo đảm dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ (bao gồm nợ gốc, lãi và tiền phạt lãi quá hạn) và không chuyển giao tài sản đó đối với tổ chức tín dụng. Hiện nay, biện pháp thế chấp tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng tín dụng được điều chỉnh theo Tiểu mục 3 Mục 3 Chương XV Bộ luật dân sự 2015 và Điều 33-36 nghị định 21/2021). Cụ thể:

Đối với hoạt động cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng, đối tượng thế chấp tài sản bảo đảm phải tuân theo một số quy định về tài sản thế chấp (Điều 318 Bộ luật dân sự). tổ chức tín dụng (bên nhận thế chấp) và bên thế chấp sẽ thỏa thuận nội dung thế chấp tài sản bảo đảm trong hợp đồng tín dụng hoặc lập thành một văn bản riêng là hợp đồng thế chấp tài sản. Hợp đồng này sẽ có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Bởi lẽ, một số hợp đồng liên quan đến thế chấp nhà ở, thế chấp quyền sử dụng đất nằm trong loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực. Hơn nữa, một số trường hợp thế chấp phải đăng kí giao dịch bảo đảm như thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp tài sản gắn liền với đất, thế chấp tàu bay, tàu biển… theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 nghị định 102/2017 về đăng kí giao dịch bảo đảm. Khi đó, giao dịch bảo đảm mới phát sinh hiệu lực.

Về thời hạn thế chấp, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận và xác định trong hợp đồng thế chấp (hoặc hợp đồng tín dụng được bảo đảm bằng thế chấp, nếu việc thế chấp được ghi trong hợp đồng này) về thời hạn thế chấp tài sản. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về thời hạn thế chấp thì việc thế chấp chỉ chấm dứt khi bên vay đã trả đầy đủ nợ vay và lãi vay.

Về quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp (Điều 320 và Điều 321 Bộ luật dân sự 2015). Bên thế chấp phải giao những giấy tờ có liên quan, giữ gìn tài sản thế chấp, áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục giá trị của tài sản nếu như làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị. Bên thế chấp vẫn được quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Bên thế chấp có quyền cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho tổ chức tín dụng; trong trường hợp biện pháp thế chấp đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba mà bên thế chấp dùng tài sản thế chấp để cho thuê, mượn mà không thông báo cho tổ chức tín dụng thì hợp đồng thuê, mượn đó sẽ chấm dứt tại thời điểm xử lí (trường hợp này chính là điểm mới trong nghị định 21/2021).Trước đây, tại Điều 27 nghị định 163/2006, bên thế chấp không bị hạn chế đầu tư vào tài sản thế chấp nhưng hiện nay đã bị hạn chế trong một số trường hợp phải có sự đồng ý của tổ chức tín dụng để phòng ngừa rủi ro đối với tổ chức tín dụng theo Khoản 2 Điều 20 nghị định 21/2021.

Về quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp (Điều 322 và 323 Bộ luật dân sự 2015). Theo đó, tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu bên thế chấp cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp, bảo quản tài sản. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng thực hiện các công việc đăng kí và thực hiện xử lí tài sản thế chấp theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối với nhận thế chấp quyền đòi nợ, tổ chức tín dụng phải thông báo cho người có nghĩa vụ (Điều 33 nghị định 21/2021) thay vì chỉ cung cấp thông tin khi bên có nghĩa vụ yêu cầu (Điều 22 nghị định 163/2006).

Về việc xử lí tài sản thế chấp. Ngoài những quy định về thông báo và tiến hành xử lí tài sản bảo đảm, Điều 36 nghị định 21/2021 chính là nội dung hoàn toàn mới, giải quyết được trường hợp tài sản được thế chấp là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu và phù hợp với Điều 133 Bộ luật dân sự 2015 để bảo vệ tổ chức tín dụng (người thứ ba ngay tình). Điều này đã khắc phục và giải quyết được vấn đề một số ngân hàng không đảm bảo được tài sản bảo đảm vì tài sản đó liên quan đến vụ án dân sự hoặc hình sự của bên bảo đảm trong thời gian trước đây.

1.2. Biện pháp cầm cố

Biện pháp cầm cố bảo đảm nghĩa vụ trả nợ hợp đồng tín dụng được thực hiện theo quy định tại Tiểu mục 2 Mục 3 Chương XV Bộ luật dân sự 2015 và Điều 31,32 nghị định 21/2021. Cầm cố tài sản trong hợp đồng tín dụng là việc bên vay vốn (bên cầm cố) có nghĩa vụ giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho tổ chức tín dụng (gọi là bên nhận cầm cố) để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ (bao gồm nợ gốc, lãi và tiền phạt lãi quá hạn).

Việc cầm cố tài sản đều phải được xác lập theo hình thức văn bản, việc cấm cố có thể lập thành một văn bản riêng (bên cạnh hợp đồng tín dụng được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố đó) hoặc có thể được xác định trực tiếp trong nội dung của hợp đồng tín dụng. Theo Điều 310 Bộ luật dân sự, hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Biện pháp bảo đảm này phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba kể từ khi đăng kí biện pháp bảo đảm hoặc từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm.

Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong cầm cố tài sản. Bên cầm cố phải giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận; phải báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền huỷ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố. Bên cầm cố phải thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Bên nhận cầm cố tài sản có các quyền và nghĩa vụ sau đây: Bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cổ trả lại tài sản đó. Bên nhận cầm cố tài sản có quyền xử lý tài sản hoặc yêu cầu xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ nếu đến hạn mà bên vay không thực hiện việc trả nợ hoặc trả không hết nợ vay.

Nhìn chung, biện pháp cầm cố tài sản không được sử dụng nhiều trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng và pháp luật cũng không có sự thay đổi rõ nét về biện pháp này.

1.3. Một số biện pháp bảo đảm bằng tài sản khác

Ngoài biện pháp thế chấp và cầm cố, các biện pháp khác cũng được sử dụng phù hợp với trong hợp đồng tín dụng, đó là: bảo lãnh, kí quỹ

Thứ nhất, biện pháp bảo lãnh được quy định tại Tiểu mục 6 Mục 3 Chương XV Bộ luật dân sự 2015 và chi tiết một số điều trong Điều 43, 44 nghị định 21/2021. Theo đó, bên thứ ba sẽ cam kết với tổ chức tín dụng về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc không đúng nghĩa vụ trả nợ đó. Bên bảo lãnh có thể thỏa thuận với tổ chức tín dụng về việc áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình. Bên cạnh đó, thỏa thuận về bảo lãnh có thể được thể hiện bằng hợp đồng riêng về bảo lãnh, thư bảo lãnh hoặc hình thức cam kết khác.

Thứ hai, biện pháp kí quỹ cũng được nhiều tổ chức tín dụng sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của khách hàng. Biện pháp kí quỹ được quy định tại Điều 330 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 39, 40 nghị định 21/2021. Theo đó, bên bảo đảm sẽ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì tổ chức tín dụng sẽ được thanh toán từ tài sản kí quỹ đó.

2.. Biện pháp bảo đảm không bằng tài sản (tín chấp)

Khác với hầu hết các biện pháp bảo đảm khác là bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản, tín chấp là biện pháp bảo đảm không bằng tài sản, không thông qua tài sản mà chỉ thông qua uy tín để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ. Biện pháp tín chấp được quy định tại Tiểu mục 7 Mục 3 Chương XV Bộ luật dân sự 2015 và Điều 45, 46 nghị định 21/2021. 

Tổ chức ở xã, phường, thị trấn của Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Công đoàn cơ sở là bên bảo đảm bằng tín chấp. Theo đó, các đơn vị cơ sở của các tổ chức này có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Với biện pháp này, các tổ chức trên sẽ phối hợp được với tổ chức tín dụng để kiểm tra và đôn đốc việc trả nợ của bên vay. Tuy nhiên, nếu như bên vay không trả được nợ thì cũng sẽ gây ra rủi ro đối với tổ chức tín dụng, không thể tiến hành xử lí tài sản bảo đảm để bù đắp khoản nợ như biện pháp bảo đảm bằng tài sản.

“Sản phẩm trên thuộc FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ”