QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỘ KINH DOANH
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỘ KINH DOANH
1. Nguồn gốc xã hội
Một nghiên cứu tại tài liệu về phát triển kinh tế vĩ mô của Ngân hàng thế giới về hộ kinh doanh ở Việt Nam đã chỉ ra nguồn gốc xã hội của việc hình thành kinh tế hộ gia đình tại Việt Nam. Theo nghiên cứu này, kinh tế hộ gia đình là một nét đặc trưng riêng của đất nước nông nghiệp do ảnh hưởng từ quan niệm về mối quan hệ gia đình và vai trò của người đàn ông và người phụ nữ trong gia đình. Chính từ quan niệm gia đình tam, tứ đại đồng đường của người Á Đông và quan điểm người đàn ông có trách nhiệm ra ngoài xã hội, người phụ nữ gắn bó với gia đình và chủ yếu phụ giúp cho gia đình đã tạo tiền đề cho sự hình thành kinh tế hộ gia đình và tác động mạnh mẽ đến khuynh hướng phát triển của kinh tế hộ sau này.
Có thể thấy mối quan hệ giữa nền kinh tế và hộ gia đình, khi các gia đình sống chung nhiều thế hệ, từ đó lực lượng lao động trong gia đình đủ để phụ giúp cho công việc gia đình và dần dần hình thành nên ý tưởng các thành viên trong gia đình cùng chung sức làm kinh tế, từ đó hình thành nền kinh tế hộ gia đình, vừa ít rủi ro, không tốn chi phí thuê mướn lao động, vừa phục vụ được nhu cầu tiêu dùng của cả họ tộc.
Nguồn gốc xã hội hình thành hộ kinh doanh ở Việt Nam mang tính đặc trưng riêng và có ảnh hưởng sâu sắc từ quan niệm, lối sống của người dân. Do đó hộ kinh doanh được hình thành để “san sẻ” những gánh nặng về kinh tế, để giải quyết vấn đề lương thực và cuộc sống.
2. Nguồn gốc lịch sử
Ngoài việc hình thành dựa trên nguồn gốc xã hội, hộ kinh doanh còn có nguồn gốc lịch sử hình thành và phát triển. Một số nghiên cứu về lịch sử cho thấy ở Việt Nam từ thời kì Văn Lang- Âu Lạc đã xuất hiện những đặc điểm của nền sản xuất lúa nước. Trong thời kì đó xuất hiện chế độ công điền (đất đai do nhà vua quản lý) và chế độ tư điền (hay còn gọi là tiểu nông) – một hình thức hộ cá thể tự do khai khẩn đất hoang ở vùng sâu xa. Bên cạnh đó sự phát triển về tiểu thủ công nghiệp ở giai đoạn này cũng được manh nha hình thành. Xuất hiện các hộ gia đình làm nghề gốm, đúc đồng, đóng mộc….Ngoài ra việc trao đổi hành hóa trong giai đoạn này (do chưa xuất hiện tiền) được thực hiện dưới hình thức cá thể, là tiền đề của hình thức hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ ở thời hiện đại sau này.
Tiếp đó ở giai đoạn phong kiến nền nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển theo phương thức sản xuất cá thể. Mỗi năm các hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh sẽ phải nộp cho nhà nước một khoản thuế bằng hiện vật hoặc tiền. Ở giai đoạn này sự phát triển về thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã có những bước tiến mới tạo điều kiện cho sự phát triển số lượng hộ gia đình tham gia vào hoạt động giao thương.
Từ sau năm 1945, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, do chiến tranh, các hộ gia đình tự sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ để tạo ra của cải vật chất góp sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Họat động của kinh tế hộ thời điểm này mang tính chất tự phát và sử dụng lao động chủ yếu là ông, bà, cha mẹ, con cái và những người thân trong gia đình với mục đích chủ yếu là duy trì nền sản xuất, cùng với các hợp tác xã nông nghiệp,xí nghiệp quốc doanh tạo ra của cải vật chất xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Thời kỳ này, kinh tế hộ gia đình chưa mang tính chất kinh doanh, chủ yếu phục vụ nhu cầu cộng đồng, tự sản, tự tiêu là chính.
Thời kỳ đầu sau năm 1975, kinh tế hộ gia đình vẫn tiếp tục phát triển ở miền Bắc do đã có thời gian hình thành và tồn tại, một phần do các hợp tác xã và một số xí nghiệp quốc doanh giải thể do hoạt động không hiệu quả đã chuyển sang hình thức hộ kinh doanh cá thể. Trong thời kỳ này ở miền Nam tập trung phát triển các công trường, nông trường, kêu gọi nhân dân tham gia xây dựng nền kinh tế mới. Giai đoạn sau, khi nền kinh tế được khôi phục các hoạt động thương mại ở miền Nam được khuyến khích phát triển và các cửa hàng kinh doanh chính thức mở lại, hoạt động kinh doanh nở rộ, tồn tại chủ yếu dưới hình thức kinh tế hộ cá thể.
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982), kinh tế hộ gia đình chính thức trở thành một trong các thành phần kinh tế của đất nước. Đại hội V bước đầu có cách nhìn mới về nền kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận miền Bắc tồn tại 3 thành phần kinh tế là quốc doanh, tập thể và cá thể; miền Nam tồn tại 5 thành phần kinh tế là quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, tư bản tư nhân và cá thể
Như vậy, hộ kinh doanh là một loại hình kinh tế có nguồn gốc lịch sử và nguồn gốc xã hội. Nó xuất hiện do nhu cầu khách quan của lịch sử, tồn tại và phát triển theo từng giai đoạn khác nhau, giai đoạn trước làm tiền đề cho giai đoạn sau phát triển một cách toàn diện hơn. Bên cạnh đó nó còn tồn tại gắn liền với lịch sử dân tộc qua các thời kì. Có thể thấy những vấn đề lý luận trên đã làm rõ được nguồn gốc và sự phát triển của hộ kinh doanh qua các thời kỳ lịch sử và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hình thức kinh tế này.
“Sản phẩm trên thuộc FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ”
Tin liên quan
- BCVV Số 01: Ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn 2023-02-07 22:09:31
- CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ( MH02-LV1/17-01) 2021-11-08 15:54:20
- Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. 2023-02-07 22:19:19
- LÀM CHA MẸ HIỆU QUẢ (MH03-LV2/08-01) 2021-11-06 16:00:45
- NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG NHẤT ( MH02-LV1/03-02) 2021-11-06 15:54:56