PHÁP LUẬT VỀ THUẬN TÌNH LY HÔN

PHÁP LUẬT VỀ THUẬN TÌNH LY HÔN

  • Căn cứ ly hôn trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn

Theo Điều 55 Luật HN & GĐ năm 2014 quy định về thuận tình ly hôn như đã dẫn chiếu ở trên, Tòa án CNTT ly hôn khi có đủ các căn cứ sau:

Thứ nhất, vợ chồng đều thật sự tự nguyện ly hôn. Sự tự nguyện ly hôn là việc cả hai vợ chồng đều được tự do bày tỏ ý chí, nguyện vọng của mình là được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn là xuất phát từ nguyện vọng của chính vợ và chồng mà không bên nào bị cưỡng ép, bị lừa đối. Việc thể hiện ý chí thật sự tự nguyện ly hôn phải xuất phát từ trách nhiệm đối với gia đình, phù hợp với yêu cầu của pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội và nhu cầu của bản thân vợ chồng trong việc quyết định ly hôn sau khi đã nhận thức được hậu quả pháp lý và hậu quả xã hội của việc ly hôn.

Khi bản thân hai vợ chồng xét thấy cuộc sống gia đình không hạnh phúc, cuộc sống chung có nhiều khúc mắc, không đạt được mục đích của cuộc hôn nhân và họ tự nhận thức được việc ly hôn là cần thiết thì hai vợ chồng đồng tình cùng nhau yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Đồng thời, “vợ chồng tự nguyện ly hôn phải trên cơ sở sự mong muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân cả về mặt pháp lý và trên thực tế. Nếu vợ chồng tự nguyện ly hôn nhưng chỉ là để chấm dứt hôn nhân về mặt pháp lý nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm chấm dứt quan hệ vợ chồng trên thực tế thì là Tòa án không thể CNTT ly hôn cho họ”.

Thứ hai, hai bên tự thỏa thuận được với nhau về con chung và tài sản chung

Về tài sản, vợ chồng tự thỏa thuận phân chia dựa trên những nguyên tắc đã được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng phải xem xét các yếu tố sau: Một là, hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng. Hai là, công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Việc nội trợ của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Ba là, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Bốn là, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Sự thỏa thuận của vợ chồng trong việc chia tài sản chung phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con. Tuy nhiên, vợ chồng có thể tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc không phân chia tài sản.

Về con chung, vợ chồng tự thỏa thuận được với nhau về việc trồng nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn. Về nguyên tắc, việc ai nuôi con khi ly hôn có thể được vợ chồng tự thỏa thuận với nhau và được tòa ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không được trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng được xác định căn cứ vào khả năng kinh tế của người cha hoặc mẹ phải cấp dưỡng và vào nhu cầu của người con. Vợ chồng tự thỏa thuận về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng. Thời hạn cấp dưỡng thông thường là cho đến khi con thành niên. Sự thỏa thuận của vợ chồng trong từng trường hợp cụ thể này phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của con.

Trong trường hợp thuận tình ly hôn, cả vợ và chồng đều thống nhất và đồng thuận trong việc giải quyết các hậu quả của việc ly hôn hai bên thật sự có ý nguyện ly hôn, không bị cưỡng ép hay chi phối bởi yếu tố nào khác, hai bên phân chia tài sản rõ ràng, không có khúc mắc gì, hai bên cùng nhau thỏa thuận đầy đủ về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được với nhau về việc vợ/chồng hay chồng/vợ là người trực tiếp nuôi con, cũng như nếu vợ chồng có đủ cơ sở để chứng minh việc chồng/vợ không đảm bảo được các quyền lợi của con (như điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là các điều kiện cần thiết cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm về việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con) trong khi đó, vợ/chồng lại đáp ứng được đầy đủ được những điều kiện này, thì Tòa án có thể xem xét, quyết định cho vợ/chồng được quyền nuôi con. Nhìn chung, khi quyết định trao quyền nuôi con cho người vợ hay người chồng, Tòa án đều phải xem xét quyền lợi về mọi mặt của cháu bé trên thực tế”.

Trong trường hợp hòa giải tại Tòa mà không thỏa thuận được một trong các điều kiện trên thì Tòa án sẽ lập biên bản về việc hòa giải không thành. Trong đó nêu rõ những vấn đề hai bên không thoả thuận được hoặc có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con, đồng thời tiến hành mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn theo thủ tục chung.

Trường hợp sự thỏa thuận không thể hiện đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của vợ và con, thẩm phán có thể đi đến quyết định bác đơn xin thuận tình ly hôn của các bên “Trong thực tế có nhiều trường hợp các bên “giả tự nguyện ly hôn” và “già thỏa thuận ly hôn” nhằm lừa dối cơ quan có thẩm quyền vì một mục đích nào đó. Việc ly hôn “để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân” xem là hành vi ly hôn giả tạo và bị xử phạt hành chính Khoản 15 Điều 3 Luật HN & GĐ năm 2014 có quy định về khái niệm ly hôn giả tạo.

"Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân”.

Hiện tượng ly hôn giả tạo nhằm mưu cầu lợi ích riêng. Họ tự nghĩ ra những mâu thuẫn và lý do chính đáng nhưng thực tế họ lại không mong muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng và giữa họ không hề có mâu thuẫn. Nếu không điều tra kỹ thì Tòa án có thể kết luận là họ đã có đủ căn cứ để CNTT ly hôn. Trong những trường hợp này Tòa án cần xử bác đơn xin thuận tình ly hôn của đương sự đồng thời phê phán, giáo dục đương sự về những hành vi sai trái đó.

  • Thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn

Về thẩm quyền: Theo quy định tại Điều 55 Luật HN & GĐ năm 2014 về thuận tình ly hôn như đã nêu ở trên, có thể hiểu, TAND là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền duy nhất giải quyết việc thuận tình ly hôn. Pháp luật quy định thuận tình ly hôn là dựa trên các quyền nhân thân cơ bản của con người, đảm bảo quyền tự do ly hôn của các bà vợ hoặc chồng

Theo quy định tại Điều 29 BLTTDS thì những yêu cầu về HN & GĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại khoản 2 như sau: “2.Yêu cầu CNTT ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn…”

Bên cạnh quy định về thẩm quyền giải quyết yêu cầu về hôn nhân gia định tại Điều 29 BLTTDS thì thẩm quyền của Tòa án được quy định như sau:

-TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu về hôn nhân và gia đình trong đó có yêu cầu CNTT ly hôn.

Yêu cầu thuận tình ly hôn mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.

Bên cạnh việc phân định thẩm quyền cho Tòa án các cấp, thì theo thẩm quyền lãnh thổ của các TAND cùng cấp, Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc thuận tình ly hôn trong trường hợp hai vợ chồng sống ở hai nơi khác nhau có yêu cầu CNTT ly hôn. Khi đó các đương sự có quyền thỏa thuận yêu cầu tòa án nơi cư trú của một trong hai người để giải quyết việc ly hôn trên nguyên tắc lựa chọn Tòa án nào có điều kiện tốt nhất để giải quyết vụ việc.

Đối với những yêu cầu CNTT ly hôn mà không thỏa thuận được với nhau về tài sản là bất động sản, dẫn đến tranh chấp nhau thì Tòa án nơi có bất động sản bị tranh chấp đó có thẩm quyền giải quyết vụ ly hôn Việc xác định thẩm quyền của Tòa án như vậy đáp ứng yêu cầu thực tế của các đương sự, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án nơi có bất động sản đang tranh chấp dễ dàng điều tra đánh giá thực trạng của bất động sản, xác minh nguồn gốc của bất động sản, yêu cầu phòng tài nguyên môi trường quản lý bất động sản cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan để giải quyết việc phân chia tài sản.

Bên cạnh đó pháp luật cũng có quy định TAND huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam giải quyết việc ly hôn nói chung và thuận tình ly hôn nói riêng, các tranh chấp khác về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của luật TTDS và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Quy định này là hoàn toàn hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, hạn chế tốn kém công sức, tiền của của người dân khi có việc cần Tòa án giải quyết. Việc quy định mở rộng thẩm quyền của TAND cấp huyện nhằm giải quyết nhanh chóng, thuận lợi các tranh chấp về HN & GĐ có yếu tố nước ngoài trong tình hình hiện nay của nước ta khi mà việc kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài giáp ranh giới xảy ra thường xuyên.

  • Trình tự, thủ tục giải quyết thuận tình ly hôn

Về thủ tục giải quyết thuận tình ly hôn: Thủ tục giải quyết yêu cầu CNTT ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được thực hiện theo các quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự tại Chương XXIII và thủ tục giải quyết yêu cầu CNTT ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn tại chương XXVIII Bộ luật TTDS năm 2015, cụ thể như sau:

Bước 1: Vợ, chồng phải nộp đơn yêu cầu CNTT ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và các tài liệu kèm theo tại TAND cấp huyện nơi có thẩm quyền.

Đơn yêu cầu phải thể hiện được các nội dung về thời gian làm đơn (ngày, tháng, năm làm đơn), Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết; Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu; nêu những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết; cung cấp tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết (nếu có); nêu các thông tin khác mà vợ, chồng xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình; cuối cùng vợ, chồng phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn yêu cầu.

Kèm theo đơn yêu cầu, vợ chồng phải gửi tài liệu, chứng cứ chứng minh thỏa thuận về thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là có căn cứ và hợp pháp, như Giấy đăng ký kết hôn bản chính, nếu không giữ hoặc không còn thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn trước đó để cấp bản sao; bản sao có chứng thực các giấy tờ gồm chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, những chứng từ chứng minh tài sản chung của vợ chồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Đăng ký xe, sổ tiết kiệm…)

Do đó, nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn thì có thể thỏa thuận nộp hồ sơ yêu cầu CNTT ly hôn tại TAND cấp huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc của chồng hoặc của cả hai vợ chồng. Đơn yêu cầu có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện.

Bước 2: Tòa án có thẩm quyền nhận đơn và xử lý đơn yêu cầu

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án nhân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu. Nếu đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán sẽ ra thông báo về việc nộp lệ phí và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo thì hai vợ chồng phải thực hiện xong nghĩa vụ nộp lệ phí tại Chi cục Thi hành án dân sự quận/huyện và nộp lại biên lai thu tiền lệ phí cho Tòa án Khi nhận được biên lai thu tiền lệ phí, Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu của vợ, chồng. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án sẽ thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cung cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu CNTT ly hôn.

Bước 3: Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và tiến hành hòa giải

Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày thụ lý. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em (như Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin...) về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ việc. Ngoài ra, Thẩm phán còn phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên, xem xét các tài liệu chứng cứ khác để giải quyết vụ việc vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật vừa hài hòa được lợi ích của các bên.

Sau đó, Thẩm phán phải tiến hành mở phiên hòa giải. Hòa giải được coi là thủ tục bắt buộc trong giải quyết việc thuận tình ly hôn, đây cũng là sự khác biệt giữa thủ tục giải quyết việc dân sự chung và thủ tục giải quyết việc thuận tình ly hôn. Và bên thứ ba giữ vai trò hòa giải chính là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc. Hòa giải trong giải quyết việc thuận tình ly hôn sẽ được Thẩm phán thực hiện theo quy định tại Điều 397 và tuân thủ những quy định chung về hòa giải của Bộ luật TTDS năm 2015. Tại phiên hòa giải, Thẩm phán phổ biến quyền và nghĩa vụ của các đương sự, tiến hành hòa giải đề vợ chồng đoàn tụ, giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan khác. Vợ, chồng sẽ trình bày về các yêu cầu của mình. Thẩm phán khi tiến hành hòa giải đóng vai trò rất quan trọng, bằng kỹ năng, kinh nghiệm của mình Thẩm phán đưa ra những phân tích, đánh giá, giải thích cho vợ chồng hiểu rõ tình trạng mối quan hệ hôn nhân. ... để các bên tự nhìn nhận cho thấu đáo trước khi đưa ra quyết định ly hôn. Mục đích hướng tới của hòa giải là vợ chồng đoàn tụ, quay về chung sống với nhau, đồng thời, cũng thông qua hòa giải Thẩm phán xem xét toàn diện tất cả mọi vấn đề liên quan đến vụ việc đặc biệt là tính tự nguyện, tính hợp pháp trong các thỏa thuận của vợ chồng trong trường hợp vợ, chồng vẫn đồng thuận ly hôn.

Kết quả hòa giải được ghi nhận và thể hiện bằng biên bản hòa giải đoàn tụ thành trong trường hợp vợ chồng cùng rút yêu cầu ly hôn, quay về chung sống với nhau hoặc biên bản hòa giải đoàn tụ không thành và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trong trường hợp vợ chồng nhất quyết ly hôn và thỏa thuận được tất cả mọi vấn đề liên quan. Trường hợp vợ chồng hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Thầm phán lập biên bản hòa giải đoàn tụ không thành và định chi giải quyết việc dân sự về CNTT ly hôn, thụ lý vụ án để giải quyết.

Bước 4: Ra quyết định CNTT ly hôn

Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản về việc hòa giải đoàn tụ không thành và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, mà các bên không thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán sẽ ra quyết định CNTT ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn;

- Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;

- Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định CNTT ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các bên yêu cầu và Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định CNTT ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định CNTT ly hôn có hiệu lực pháp luật.

"Sản phẩm thuộc FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ"