Phân tích sự khác biệt giữa giải thể và phá sản doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành.

Phân tích sự khác biệt giữa giải thể và phá sản doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành.

1. Sự giống nhau trong quy định của pháp luật về giải thể và pháp sản doanh nghiệp.

Thứ nhất: Giải thể và phá sản về cơ bản đều là hai phương thức làm chấm dứt sự hoạt động của doanh nghiệp cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn.

Điều này hầu hết mọi người đều biết, khi doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản thì việc ngừng hoạt động là điều bắt buộc (trừ trường hợp sau khi tuyên bố phá sản có người mua doanh nghiệp). Nhưng cần lưu ý là phá sản khác với việc “lâm vào tình trạng phá sản”, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì chưa buộc phải dừng hoạt động bởi vì sau đó còn có một thủ tục gọi là “thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh”.

Thứ hai: Đều bị thu hồi con dấu và giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.

Khi thành lập bất kì một doanh nghiệp nào, việc đầu tiên là đăng kí kinh doanh và làm dấu, đây có thể gọi như là thủ tục khai sinh. Nên khi doanh nghiệp giải thể, phá sản (tức là chấm dứt sự tồn tại) thì sẽ bị thu hồi lại con dấu và giấy đăng kí kinh doanh. Doanh nghiệp cũng như là một con người, việc xuất hiện và rút lui khỏi xã hội cũng đều phải có sự quản lý của nhà nước để đảm bảo một trật tự nhất định, tránh mất đi tính liên kết trong xã hội.

Thứ ba: Đều phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản (nhưng thực hiện đến đâu thì lại khác nhau).

Lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của những cá nhân, tổ chức có liên quan đến doanh nghiệp bị phá sản đều phải được thực hiện tùy vào mức độ, tính chất của mối liên hệ giữa họ với doanh nghiệp và tùy vào tính chất của sự ngừng hoạt động (giải thể hay phá sản). Nói chung, đều phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản còn việc thục hiện đến đâu thì tùy thuộc vào từng trường hợp giải thể hay phá sản (trong phá sản còn phụ thuộc vào tính chất của các khoản nợ.

2. Sự khác nhau trong quy định của pháp luật về giải thể và pháp sản doanh nghiệp.

2.1 Về pháp luật điều chỉnh.

Đây đều là các quy định về trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp tuy nhiên với trường hợp của giải thể doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020. Còn về trường hợp phá sản doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp không quy định trực tiếp mà dẫn chiếu sang quy định pháp luật khác về phá sản Điều 214 Luật doanh nghiệp 2020 : “ Việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản”. Mà trực tiếp quy định về phá sản là Luật phá sản 2014. Như vậy, mỗi trường hợp được điều chỉnh bởi một Luật khác nhau về doanh nghiệp. Như vậy có thể nói là phá sản có tính chất phức tạp hơn nên mới cần phải có một luật riêng chuyên quy định về các vấn đề liên quan đến phá sản.

2.2 Về lý do phá sản hoặc giải thể.

Đối với phá sản thì doanh nghiệp chỉ phá sản với một lí do là mất khả năng thanh toán nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu. Theo Điều 5 khoản 1 Luật phá sản thì doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn đối với khoản nợ có bảo đảm hoặc với khoản nợ không có bảo đảm thì khi chủ nợ yêu cầu có thể mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó.

Còn đối với lí do giải thể không đồng nhất với các loại hình doanh nghiệp và rộng hơn nhiều so với lí do phá sản. Tùy vào từng loại doanh nghiệp mà theo quy định của pháp luật rơi vào trường hợp đó mà có thể tự giải thể hoặc bị giải thể. Nhìn chung lại doanh nghiệp có thể giải thể khi nó là một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020 :

 a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

  1. b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
  2. c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
  3. d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác. 

2.3 Điều kiện giải thể và phá sản.

Như chúng ta đều biết thì khả năng thanh toán của doanh nghiệp là yếu tố quyết định việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường thông qua thủ tục giải thể hay phá sản.

Đối với thủ tục giải thể : Luật doanh nghiệp 2020 mà trực tiếp là khoản 2 Điều 207 quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Do đó, trong trường hợp này, doanh nghiệp vẫn còn khả năng thanh toán hay phải trả hết nợ mới có thể giải thể.

Chẳng hẳn trong tình huống sau : “Công ty X là Công ty TNHH 1 thành viên. Do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, Công ty muốn làm thủ tục giải thể để thành lập công ty mới nhưng còn một khoản nợ 400.000.000 đồng với một nhà cung cấp chưa thanh toán. Trong trường hợp này Công ty A có giải thể được không? ”

Theo Khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định điều kiện giải thể doanh nghiệp như sau: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp”. Theo đó, điều kiện giải thể của doanh nghiệp là:

+ Thuộc các trường hợp được tiến hành giải thể

+ Bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác

+ Không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài

Công ty của A hiện vẫn còn khoản nợ trị giá 200.000.000 đồng và chưa có khả năng thanh toán. Do vẫn còn khoản nợ chưa thanh toán nên trong trường hợp này công ty A không thể tiến hành thủ tục giải thể được, mà chỉ có thể giải thể công ty sau khi thanh toán hết các khoản nợ cũng như không còn các nghĩa vụ về tài chính khác (như các khoản thuế chưa nộp). Trong trường hợp này, nếu vẫn muốn chấm dứt hoạt động kinh doanh do làm ăn thua lỗ sau đó thành lập công ty mới, thì Công ty A có thể xem xét chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp theo thủ tục phá sản.

Ngược lại, phá sản không cần doanh nghiệp còn khả năng thanh toán nợ mà phá sản diễn ra với điều kiện đầu tiên là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn khi chủ nợ yêu cầu. Mất khả năng thanh toán được thể hiện là doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng tài chính tuyệt vọng có thể không trả được nợ, không lối thoát trừ phi của sự can thiệp của Tòa án hoặc sự giúp đỡ của các chủ nợ. Đồng thời, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn có thể ngay khi doanh nghiệp còn rất nhiều tài sản song những tài sản này không thể bán được. Thêm vào đó, do tình hình kinh tế thị trường nên có thể đây chỉ là tình trạng tạm thời của doanh nghiệp. Do vậy, mất khả năng thanh toán nợ không phải điều kiện quyết định sự phá sản của doanh nghiệp mà chỉ là điều kiện yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp. Để phá sản doanh nghiệp còn cần quyết định phá sản của Tòa án. Quy định này được đưa ra trong Điều 105, Điều 106, Điều 107, Điều 108 Luật phá sản 2014.

2.4 Về chủ thể có quyền yêu cầu, nộp đơn.

Đối với giải thể theo điểm b khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chủ thể có quyền yêu cầu giải thể phụ thuộc vào loại hình của công ty đó như chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

Khác với giải thể phá sản doanh nghiệp không chỉ được quyết định từ chủ sở hữu mà còn từ nhiều đối tượng có quyền và nghĩa vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp được quy định tại Điều 5 Luật phá sản 2014 như : chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần, người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

Tình huống : Công ty TNHH CH có 2 thành viên là ông C và bà H, mỗi người góp 3.000.000.000 đồng vốn điều lệ, có trụ sở tại quận DĐ, thành phố HN. Sau 5 năm thua lỗ, đến nay Công ty CH  không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn là 25.000.000.000 đồng mặc dù các chủ nợ đã yêu cầu nhiều lần. Vì vậy, có chủ nợ đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tất cả chủ nợ của công ty CH đều có trụ sở hoặc cư trú tại HB. Công ty không nợ người lao động và các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đối tượng nào có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty TNHH CH?

Trong tình huống này đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty CH là các chủ nợ không có bảo đảm hoặc các chủ nợ có bảo đảm một phần. Do công ty không nợ lương người lao động nên người lao động không có quyền nộp đơn kiện phá sản.

2.5 Thủ tục giải thể và phá sản doanh nghiệp.

Thủ tục giải thể của doanh nghiệp là thủ tục mang tính hành chính được tiến hành được tiến hành tại doanh nghiệp. Vì tự nguyện giải thể hay bắt buộc giải thể chủ yếu liên quan đến yếu tố tự do ý chí nên thủ tục tiến hành giải thể về cơ bản giống nhau ở cả hai trường hợp và được quy định tại Điều 208 Luật doanh nghiệp 2020. Đồng thời, trong thời gian thủ tục cần chuẩn bị hồ sơ giải thể theo Điều 210 Luật doanh nghiệp 2020 và không thực hiện các hoạt động bị cấm theo Điều 211 Luật doanh nghiệp 2020.

Ngược lại với giải thể , phá sản là thủ tục tư pháp . Do đó , phức tạp hơn thủ tục giải thể . Thêm vào đó mọi hoạt động đều được đặt ra và thực hiện với một trình tự bắt buộc được quy định cụ thể trong Luật Phá Sản 2014 tại Điều 26 đến Điều 130.

2.6 Về trình tự, thủ tục thực hiện.

Đối với giải thể: thực hiện tuần tự theo các bước gồm:

+ Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp;

+ Tổ chức thanh lý tài sản;

+ Gửi quyết định giải thể doanh nghiệp đến các cơ quan, tổ chức

liên quan;

+ Thông báo tình trạng doanh nghiệp;

+ Thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;

+ Gửi đề nghị giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Đối với phá sản: thực hiện theo các bước:

+ Nộp đơn và nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

+ Thương lượng rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

+ Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do thương lượng không

thành;

+ Quyết định mở thủ tục phá sản khi có căn cứ để mở;

+ Tổ chức Hội nghị chủ nợ;

+ Tòa án tuyên bố công ty phá sản;

+ Thi hành quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án.

2.7 Về hậu quả pháp lý của giải thể và phá sản doanh nghiệp.

Giải thể sẽ dẫn đến hậu quả là bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp. Do nguyên nhân quyết định giải thể được đưa ra từ chính chủ sở hữu  về chấm dứt hoạt động, rút ra khỏi thị trường của donah nghiệp. Đồng thời, kết thúc thủ tục giải thể ở cả hai trường hợp bắt buộc giải thể và tự nguyện giải thể  Điều 208 và Điều 209 Luật doanh nghiệp có quy định : “cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp . Giải thể có tính dứt khoát hơn so với phá sản, ít để lại hệ quả sau này.

Ngược lại với giải thể, khi thủ tục phá sản mở thì không phải bao giờ cũng dẫn đến kết cục doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Các chủ thể yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp là để thanh toán nợ cho các chủ nợ. Thêm vào đó , doanh nghiệp chỉ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn mới có thể yêu cầu mở thủ tục phá sản. Do đó , khác với giải thể mục đích cuối cùng của phá sản là để trả nợ.

2.8  Về xử lý quan hệ tài sản.

Khi giải thể, chủ doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trực tiếp thanh toán tài sản, giải quyết mối quan hệ nợ nần với các chủ nợ.

Khi phá sản, việc thanh toán tài sản, phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp được thực hiên thông qua một cơ quan trung gian là tổ thanh toán tài sản khi có quyết định sau khi có quyết định tuyên bố phá sản.

Bởi vì giải thể thì chắc chắn mọi chủ nợ đều được thanh toán đầy đủ nhưng phá sản thì không, việc phân chia tài sản còn lại rất phức tạp nếu như không có tổ thanh toán vì ai cũng muốn đòi được hết tiền, tài sản của mình mà tài sản của doanh nghiệp còn lại thì không thể đáp ứng được. Vì vậy quyền lợi của mỗi chủ nợ dễ bị xâm phạm và dễ gây ra tình trang không công bằng, gây mất trật tự, có thể dẫn đến vi phạm pháp luật. Vậy đối với phá sản cần có tổ thanh toán tài sản.

2.9 Thứ tự thanh toán tài sản.

Thứ tự thanh toán khi giải thể như sau:

- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.

- Nợ thuế.

- Các khoản nợ khác.

- Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí, phần tài sản còn lại sẽ chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

Thứ tự thanh toán khi phá sản như sau:

- Chi phí phá sản.

- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.

- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

- Sau khi đã thanh toán hết các khoản trên mà vẫn còn tài sản thì phần còn lại này thuộc về: chủ doanh nghiệp tư nhân; chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần; thành viên của công ty hợp danh.

- Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

"Sản phẩm thuộc FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ"