Phân tích quy định pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
Phân tích quy định pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
1. Quy định pháp luật về cơ cấu tổ chức của công ty quản lý đầu tư chứng khoán.
CTQLQ hoạt động theo hai loại hình doanh nghiệp là công ty TNHH và CTCP. Và pháp luật chứng khoán hiện nay cũng quy định cụ thể hơn về bộ máy quản trị của CTQLQ như sau:
Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của HĐQT, HĐTV, BKS và các chức vụ quan thực hiện theo quy định tại điều 4 TT 99/2020. Đặc biệt, thành viên trong HĐQT hoặc HĐTV không được là thành viên trong HĐQT và HĐTV, người có vai trò điều hành, giám sát trong công ty quản lý khác hoặc công ty đầu tư chứng khoán mà công ty quản lý.
Thứ hai, các CTQLQ phải thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ (trực thuộc HĐQT, HĐTV, hoặc chủ sở hữu công ty) theo Điều 5 TT 99/2020 trong trường hợp CTQLQ là công ty đại chúng hoặc quản lý quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng. Bộ phận kiểm toán nội bộ sẽ giúp công ty kiểm tra, đánh giá về hoạt động quản trị, về việc tuân thủ nghiệp vụ, quản trị rủi ro.
Thứ ba, CTQLQ phải có bộ phận kiểm soát nội bộ theo Điều 6 TT 99/2020. Kiểm soát nội bộ đóng vai trò to lớn hơn kiểm toán nội bộ khi chủ yếu tham gia vào hoạt động giám sát tất cả các bộ phận; thực thi trách nhiệm của toàn bộ nhân viên; tham gia xây dựng, giám sát các chính sách, quy chế, tổ chức quản trị rủi ro của công ty…Nghĩa vụ này sẽ đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho các giao dịch, hạn chế được những rủi ro cho công ty trước những giao dịch thiếu công bằng và minh bạch.
Ngoài ra, TT 99/2020 cũng quy định thêm về việc tổ chức ban điều hành, nhân viên, chi nhánh và văn phòng đại diện của CTQLQ tại Điều 7, 8, 9 thông tư này.
2. Quy định pháp luật về nghiệp vụ của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
2.1. Hoạt động quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
Đây là hoạt động kinh doanh chính của công ty quản lý quỹ. Do nguồn vốn của quỹ thuộc về các nhà đầu tư, nên pháp luật có những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo cho việc đầu tư có khả năng đạt hiệu quả, hạn chế rủi ro.
Các nghĩa vụ cơ bản mà công ty quản lý quỹ được pháp luật chứng khoán quy định gồm: (i) Duy trì các điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán theo Điều 85.1.c LCK 2019; (ii) Tuân thủ chế độ báo cáo, thống kê, kế toán và công bố thông tin liên quan đến hoạt động quản lý quỹ đầu tư và hoạt động quản lý danh mục đầu tư; (iii) Thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan; (iv) Thực hiện việc nghĩa vụ khác như nghĩa vụ tài chính về thuế, nghĩa vụ trả phí giao dịch, phí lưu ký…1
Những nghĩa vụ của công ty quản lý quỹ trong mối quan hệ với quỹ đầu tư chứng khoán
Thứ nhất, theo Điều 90.2 LCK 2019 công ty phải thực hiện nghiệp vụ quản lý quỹ, quản lý danh mục phù hợp với quy định pháp luật, các điều lệ quỹ và hợp đồng. LCK 2019 đã có những quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ chào bán thành lập2 và hoạt động các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Các loại hình quỹ đại chúng (quỹ mở và quỹ đóng) và quỹ thành viên đều có những quy định cụ thể để CTQLQ thực hiện nghĩa vụ của mình3. Ví dụ như, ngoài việc phát hành chứng chỉ quỹ, CTQLQ thay mặt quỹ mở thực hiện mua lại chứng chỉ quỹ mở từ NĐT và không phải thay mặt quỹ mua lại do bất khả kháng hoặc không thể xác định giá trị tài sản ròng do có quyết định đình chỉ giao dịch chứng khoán trong danh mục đầu tư của quỹ theo điều 111 LCK.
Thứ hai, CTQLQ phải đảm bảo tách biệt về cơ sở vật chất, nhân sự, cơ sở dữ liệu giữa các nghiệp vụ tiềm ẩn xung đột lợi ích trong công ty và hoạt động đầu tư tài chính của công ty với các hoạt động nghiệp vụ của công ty theo Điều 90.1 LCK 2019 và Điều 10.20 TT 99/2020. Những nghĩa vụ này sẽ đảm bảo được việc tách bạch tài sản của các quỹ đầu tư, hạn chế được việc tư lợi của các CTQLQ. Bên cạnh đó, việc tách bạch nhân sự, cơ sở vật chất giữa các nghiệp vụ, quỹ với nhau cũng ngăn ngừa và hạn chế được những rủi ro từ những nghiệp vụ hoặc quỹ đầu tư khác.
Thứ ba, theo Điều 90.3 LCK 2019, CTQLQ phải thực hiện xác định giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ theo quy định của pháp luật (Điều 106 LCK) và điều lệ quỹ. Giá trị tài sản ròng phải được xác định ít nhất 1 tuần một lần và phải công bố cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, một số nghĩa vụ mà CTQLQ phải đảm bảo thực hiện như: (i) Đảm bảo trong việc uỷ quyền cho bên thứ ba, thay đổi nhân sự hoặc chuyển giao việc quản lý quỹ cho CTQLQ khác không làm tổn hại đến lợi ích của quỹ theo4 ;
(ii) Công bố thông tin đầy đủ và trung thực theo định kỳ, theo yêu cầu và theo quy định pháp luật; (iii) Nếu có sự tham gia của người có liên quan của CTQLQ trong những giao dịch tài sản của quỹ thì cần phải tuân thủ theo những quy định pháp luật để không làm tổn hại đến sự công bằng và quyền lợi của quỹ5; (iv) Bồi thường những tổn thất do công ty vi phạm thỏa thuận với các NĐT hoặc vi phạm pháp luật; (v) Các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật hoặc điều lệ công ty.
Một số quy định nhằm hạn chế hoạt động của công ty quản lý quỹ được quy định theo Điều 91 Luật chứng khoán 2019 và Điều 11 Thông tư 99/2020/TT-BTC như sau:
Thứ nhất, CTQLQ không được là người có liên quan của ngân hàng giám sát của quỹ, ngân hàng lưu ký và của công ty đầu tư chứng khoán do mình quản lý. Quy định giúp hạn chế sự liên kết giữa các chủ thể này, đảm bảo được khách quan trong việc giám sát, tránh để gây thiệt hại cho nhà đầu tư..
Thứ hai, CTQLQ không được đầu tư, góp vốn hoặc mua cổ phần của một CTQLQ khác, không được đầu tư, góp vốn hoặc mua cổ phần của một công ty chứng khoán để không làm phát sinh thêm rủi ro với chính công ty mình
Thứ ba, CTQLQ không được phép dùng vốn của một quỹ để đầu tư vào chính quỹ ấy hoặc của công ty ấy. Bên cạnh đó, công ty cũng không được sử dụng tài sản của khách hàng ủy thác quản lý danh mục, quỹ, công ty đầu tư chứng khoán do mình quản lý để đầu tư vào quỹ hoặc công ty khác nếu không có sự chấp thuận của khách hàng. Đây là quy định hợp lý vì sẽ hạn chế được việc lợi dụng của CTQLQ làm thiệt hại đến lợi ích của các nhà đầu tư
Ngoài ra pháp luật cũng đã liệt kê rất nhiều quy định hạn chế khác như CTQLQ không được: (i) mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho các quỹ do mình quản lý tại công ty chứng khoán là người có liên quan của công ty quản lý quỹ; (ii) sử dụng tài sản của quỹ đại chúng, công ty đại chúng để đầu tư vào chính CTQLQ; (iii) nhận cho chính mình bất kỳ thu nhập hay lợi ích nào thu được từ việc sử dụng các dịch vụ hạch toán các khoản này vào thu nhập của quỹ; (iv) dùng vốn và tài sản của các quỹ do mình quản lí để đầu tư vượt quá một tỉ lệ nhất định trên tổng giá trị của một loại chứng khoán đang lưu hành của tổ chức phát hành hoặc một công ty không niêm yết theo quy định của pháp luật; (v) thực hiện các giao dịch làm tăng chi phí và rủi ro không hợp lý cho quỹ.
Các quy định pháp luật về hạn chế hoạt động của CTQLQ đều hướng đến việc bảo vệ lợi ích chính đáng cho các NĐT khỏi mục đích tư lợi từ các CTQLQ. Ngoài ra, những quy định này cũng làm ngăn chặn, hạn chế những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các CTQLQ. Bên cạnh việc thực hiện theo các quy định trên, CTQLQ phải đảm bảo có một quy trình phân bổ tài sản giao dịch minh bạch, công bằng và hợp lý giữa các quỹ, các danh mục đầu tư và với bản thân công ty.
Pháp luật chứng khoán quy định quyền của công ty quản lý quỹ gồm các quyền: (i) Tiến hành các hoạt động thành lập, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán theo sự uỷ thác của nhà đầu tư;
(ii) Tiến hành các giao dịch liên quan nhằm thực hiện hoặc phục vụ cho hoạt động của mình; (iii) Mở rộng, thu hẹp phạm vi kinh doanh trong phạm vi do pháp luật quy định; thành lập hoặc giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật; (iv) Được hoạt động tư vấn tài chính và tư vấn đầu tư chứng khoán; (v) Khởi kiện hoặc khiếu nại đối với các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích chính đáng của công ty (vi) Các quyền của công ti quản lý quỹ đối với quỹ đầu tư chứng khoán do công ty quản lý
2.2. Hoạt động quản lý danh mục đầu tư
Theo Điều 4.35 LCK 2019, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán là hoạt động quản lý theo ủy thác của từng NĐT trong việc mua, bán nhằm giữ chứng khoán và các tài sản khác của nhà đầu tư. CTQLQ và NĐT phải giao kết hợp đồng ủy thác đầu tư6 để NĐT riêng lẻ ủy thác cho công ty quản lý quỹ thực hiện việc đầu tư chứng khoán bằng tài sản của chính NĐT, phù hợp với chính sách đầu tư đã thỏa thuận. Nội dung của hợp đồng này phải bảo đảm về việc không có các điều khoản tạo điều kiện cho CTQLQ trốn tránh việc bồi thường cho khách hàng ủy thác mà do lỗi của công ty và một số quy định hạn chế phạm vi bồi thường, trách nhiệm tài chính, đối xử không công bằng với khách hàng ủy thác được quy định tại Điều 16.2 TT 99/2020
CTQLQ thực hiện quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng có thể bằng tài khoản đứng tên CTQLQ hoặc trên tài khoản của khách hàng ủy thác đã đăng ký. Bên cạnh đó, CTQLQ cũng phải thực hiện lưu ký tài sản ủy thác của kháchhàng. Và theo Điều 16.4. TT 99/2020, CTQLQ cần phải đảm bảo về việc đầu tư vào tài sản nào dựa trên việc có tồn tại hay không quy định về việc đầu tư chứng khoán nào trong hợp đồng. Cụ thể, nếu không có quy định thì CTQLQ chỉ được đầu tư vào tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ, chứng khoán niêm yết, trái phiếu Chính phủ…vì việc đầu tư vào các tài sản này sẽ giúp cho các NĐT hạn chế được rủi ro cao. Đối với những trường hợp khách hàng chỉ định đầu tư cần phải thực hiện theo quy định tại Điều 16.7 TT 99/2020 để đảm bảo mọi thông tin được minh bạch, rõ ràng.
Bên cạnh đó, CTQLQ cũng phải đưa ra chính sách đầu tư7, quy trình quản lý rủi ro cho các danh mục đầu tư của khách hàng ủy thác. Để làm được điều đó, việc thu thập thông tin từ khách hàng năm là vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu khả năng tài chính, thời hạn đầu tư, mục tiêu đầu tư, mức độ rủi ro có thể chấp nhận, các hạn chế đầu tư và các yêu cầu đầu tư khác của NĐT ủy thác. Từ đó, các CTQLQ cũng phải cung cấp thông tin đầy đủ trong quá trình thực hiện hợp đồng và có thể điều chỉnh danh mục đầu tư nếu không còn phù hợp với chính sách đầu tư nữa. Nhìn chung, một số nghĩa vụ mà CTQLQ phải thực hiện như: (i) giao kết hợp đồng lưu ký tài sản với ngân hàng lưu ký (ii) thực hiện giao dịch và phân bổ tài sản hợp lý (iii) không được đưa ra tuyên bố về việc bảo đảm hoạt động đầu tư luôn hiệu quả với NĐT và một số nghĩa vụ khác gần tương tự với hoạt động quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
2.3. Hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán
Theo quy định tại Điều 22.1 TT 99/2020, hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán bao gồm các nội dung:
Thứ nhất, CTQLQ tư vấn cho khách hàng về chính sách đầu tư và chiến thuật giao dịch, bao gồm cơ cấu phân bố vốn đầu tư; loại tài sản đầu tư và phương thức xác định giá trị tài sản; hình thức đầu tư, giao dịch; thời điểm thực hiện, số lượng, mức giá phù hợp với mục tiêu, chính sách đầu tư, mức chấp nhận rủi ro của khách hàng;
Thứ hai, phát hành ra công chúng các ấn phẩm về đầu tư chứng khoán sau khi đã được cấp phép theo quy định của pháp luật về báo chí; xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình phổ cập kiến thức, quảng bá về đầu tư chứng khoán, các chương trình đào tạo chuyên sâu về đầu tư chứng khoán.
Theo Điều 23.5 TT 99/2020, trong hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ, nhân viên tư vấn không được: (i) Tư vấn cho khách hàng đầu tư vào tài sản mà không cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, tổ chức phát hành cho khách hàng; (ii) Môi giới giao dịch mua, bán giữa khách hàng và bên thứ ba; (iii) Cung cấp các thông tin chưa được kiểm chứng, tin đồn, thông tin sai lệch cho khách hàng; không được cung cấp thông tin sai sự thật hoặc thực hiện các hành vi nhằm lôi kéo, xúi giục, dụ dỗ hay mời chào khách hàng giao dịch một loại tài sản nào đó mà không phù hợp với mục tiêu đầu tư. (iv) Tặng quà, sử dụng lợi ích vật chất dưới mọi hình thức để mời chào, dụ dỗ khách hàng giao dịch một loại tài sản; (v) Đầu tư thay cho khách hàng, nhận tiền, tài sản của khách hàng để đầu tư, giao dịch, trừ trường hợp là khách hàng ủy thác đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư với công ty quản lý quỹ; (vi) dự báo giá tài sản trong tương lai, bảo đảm kết quả đầu tư trừ trường hợp đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định hoặc các sản phẩm đầu tư bảo toàn vốn; không được thỏa thuận phân chia lợi nhuận hoặc lỗ với khách hàng.
Có thể nói, so với quy định các văn bản pháp luật trước đây, các quy định hiện hành đã quy định chi tiết hơn về tổ chức và hoạt động của CTQLQ. Các quy định này góp phần tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc để các CTQLQ dễ dàng hơn trong việc quản trị nội bộ và thực hiện nghiệp vụ của mình.
1(Các nghĩa vụ tại mục (ii), (iii), (iv) được quy định trong Điều 90.1 LCK 2019 và Điều 10 TT 99/2020
2Điều 100 LCK 2019; NĐ 155/2020 và TT 99/2020
3Điều 111 (quỹ mở), Điều 112 (quỹ đóng), Điều 113 (thành lập quỹ thành viên) LCK 2019. Các CTQLQ phải thực hiện đúng cam kết và phù hợp mục tiêu của các NĐT vào quỹ.)
4 Điều 12 TT 99/2020 về ủy quyền hoạt động và Điều 13.4 TT 99/2020 về các nghĩa vụ bàn giao cho CTQLQ thay thế
5 Ví dụ quy định về giá trị giao dịch chứng khoán trong năm thông qua môi giới của công ty chứng khoán là người có liên quan của CTQLQ không được vượt quá 20% tổng giá trị giao dịch chứng năm của quỹ đại chúng, công ty chứng khoán đại chúng đó (Điều 10.7.a TT 99/2020)
6 Nội dung cơ bản được quy định tại Phụ lục III đính kèm TT 99/2020
7 Điều 17 TT 99/2020
"Sản phẩm trên thuộc FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ"
Tin liên quan
- BCVV Số 01: Ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn 2023-02-07 22:09:31
- CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ( MH02-LV1/17-01) 2021-11-08 15:54:20
- Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. 2023-02-07 22:19:19
- LÀM CHA MẸ HIỆU QUẢ (MH03-LV2/08-01) 2021-11-06 16:00:45
- NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG NHẤT ( MH02-LV1/03-02) 2021-11-06 15:54:56