NICARAGUA KIỆN HOA KỲ, PHÁN QUYẾT QUAN TRỌNG NHẤT CỦA TOÀ ÁN CÔNG LÝ QUỐC TẾ
Tóm tắt nội dung pháp quyết của Toà án Công lý Quốc tế về vụ Nicaragua kiện Hoa Kỳ
NICARAGUA KIỆN HOA KỲ,
PHÁN QUYẾT QUAN TRỌNG NHẤT CỦA TOÀ ÁN CÔNG LÝ QUỐC TẾ
Tòa án Quốc tế là cơ quan tư pháp chính của Liên Hợp Quốc. Tòa án Quốc tế có nhiệm vụ xét xử các vụ kiện giữa các nước và tư vấn pháp lý về các vấn đề luật quốc tế. Tòa án Quốc tế là cơ quan tư pháp quốc tế duy nhất xét xử cho các nước. Quyết định và kết luận pháp lý của Tòa án Quốc tế là một phần của luật quốc tế.
Năm 1986, ICJ đã đưa ra phán quyết trong vụ Nicaragua kiện Hoa Kỳ. Đây là phán quyết quan trọng mang tính lịch sử, thể hiện sự phát triển của luật pháp quốc tế. Phán quyết về Vụ hoạt động quân sự và bán quân sự của Mỹ ở và chống lại Nicaragua của Tòa ICJ vào năm 1986 được xem là một phán quyết kinh điển, có vị trí đặc biệt trong các án lệ quốc tế.
Nguyên nhân của vụ kiện bắt nguồn từ các chính sách can thiệp thường xuyên của Hoa Kỳ đối với khu vực Trung Mỹ, đặc biệt là sự can thiệp chống cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, theo như “Học thuyết Reagan”. Theo Nicaragua, thông qua Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), Hoa Kỳ đã can thiệp một cách bất hợp pháp vào lãnh thổ của Nicaragua nhằm lật đổ chính phủ mà Hoa Kỳ cho là không phù hợp. Nicaragua khiếu nại Hoa Kỳ đối với tranh chấp liên quan đến trách nhiệm của Hoa Kỳ trong hoạt động quân sự và bán quân sự trực tiếp lên Nicaragua thông qua CIA hoặc thông qua viện trợ gián tiếp cho các nhóm đối lập (gọi là contras).
Mỹ đưa quân vào can thiệp ở các nước Trung Mỹ nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại Trung Mỹ mà sâu xa là bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ, công dân Hoa Kỳ và bảo vệ các chính quyền thân thiện với Hoa Kỳ (được đề xuất từ trong chính sách đối ngoại của Tổng thống James Monroe và Tổng thống Theodore Roosevelt) mà trọng tâm là bảo vệ thế giới tự do khỏi sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản.
Hoa Kỳ lấy cớ Nicaragua đã can thiệp bằng vũ lực ở El Salvador thông qua các cuộc tấn công xuyên biên giới với mục đích cung cấp hỗ trợ cho phiến quân cộng sản hoạt động tại quốc gia này. Trong điều trần của mình, Mỹ cho rằng Mỹ đang thực hiện quyền tự vệ tập thể (collective self-defence), thay mặt cho El Salvador.
Dựa theo điều 36(2) Quy chế ICJ (quy định về sự lựa chọn của các quốc gia chấp nhận thẩm quyền bắt buộc của ICJ trong các tranh chấp của mình, trước đây cả Hoa Kỳ và Nicaragua đều đã từng tuyên bố công nhận thẩm quyền của ICJ, vấn đề này sẽ được phân tích kỹ hơn vào phần sau) và Điều 36(1) của Quy chế ICJ (quy định thẩm quyền của ICJ có thể giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các hiệp ước quốc tế khác, mà Nicaragua đưa ra trong vụ kiện này là Hiệp ước hữu nghị, thương mại và đi lại (Hiệp ước FCN), Nicaragua đã bác bỏ lập luận rằng ICJ không có thẩm quyền giải quyết vụ việc của bị đơn Hoa Kỳ.
Tòa đã tiến hành đưa ra những sự kiện thực tế, ví dụ như việc phá hoại một số cảng của Nicaragua hoặc việc xâm phạm vào không phận Nicaragua. Trong các bối cảnh này, Tòa thấy rằng các hành động của các contras không thể được quy vào các hoạt động của Hoa Kỳ: Các phần tử nổi dậy không phải là cơ quan chính thức của Hoa Kỳ, và họ cũng không thể được coi là nằm trong sự chỉ đạo của Hoa Kỳ, bởi kỳ Hoa Kỳ đã không thể hiện việc “’kiểm soát hiệu quả” (effective control) đối với lực lượng contras. Đối với các sự kiện của bên Nicaragua, Tòa thấy rằng đã có sự trợ giúp của Nicaragua cho phiến quân ở El Salvador, đặc biệt là trước năm 1981, và một số lần khác sau đó. Tòa cũng phát hiện có một số cuộc tấn công xuyên biên giới diễn ra.
Sau đó, Tòa đã chuyển sang xem xét những sự kiện trên dựa trên tập quán quốc tế liên quan đến việc sử dụng vũ lực, để loại trừ việc áp dụng các hiệp ước đa phương. Mặc dù tập quán, hiệp ước và đối tượng điều chỉnh (của hai hệ thống pháp luật này) vẫn có thể xem là khác nhau, các quy phạm pháp luật quan trọng của chúng là giống nhau. Do vậy sẽ không có việc Toà đưa ra các quyền và nghĩa vụ, mà các quyền và nghĩa vụ này lại không dựa trên một cơ sở chắc chắn để có thể áp dụng cho cả hai bên trong tranh chấp. Tòa sau đó đã khẳng định rằng các thông lệ quốc tế (international practice) không nhất thiết phải đồng nhất để có thể thành lập một tập quán quốc tế: việc thực hiện các nguyên tắc này chỉ cần tuân thủ lại nguyên tắc này một cách khái quát, và các quốc gia xem các hành vi không tuân thủ nguyên tắc này là vi phạm pháp luật hơn là một ngoại lệ của một nguyên tắc cũ, hoặc tiền thân của một quy tắc mới. Trong vụ kiện này, Tòa đã phân tích xem nguyên tắc pháp luật về sử dụng vũ lực có thoả mãn để trở thành tập quán quốc tế hay không, Toà chủ yếu dựa vào yếu tố opinio juris trong các nghị quyết khác nhau của Liên Hợp Quốc. Cụ thể, Tòa án khẳng định rằng Điều 3 (khoản g) của Nghị quyết 3314 của Đại hội đồng, liên quan đến ‘xâm lược gián tiếp’, đã cấu thành một quy phạm của tập quán quốc tế. Ngược lại, Tòa cho rằng sự hỗ trợ đơn thuần của các phiến quân, ví dụ bằng cách cung cấp vũ khí, đã không đạt đến ngưỡng của một cuộc tấn công vũ trang hoặc gây hấn để làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Để thực hiện tự vệ tập thể, quốc gia bị xâm lược phải tuyên bố là mình bị tấn công và kêu gọi sự hỗ trợ của nước ngoài.
Tòa án sau đó chuyển sang xác định các đặc điểm và quyết định xem nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ (của quốc gia khác) có thể xem là một tập quán quốc tế hay không. Toà phủ nhận rằng trong trường hợp các nguyên tắc không can thiệp bị vi phạm, các quốc gia thứ ba có thể sử dụng các biện pháp đối phó bằng vũ lực. Sau đó, Tòa phân tích nguyên tắc chủ quyền, trong đó đảm bảo quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia bởi các lực lượng của quốc gia khác. Để thực hiện được điều này Toà cần phải xem xét Luật nhân đạo quốc tế (IHL). Tòa cho rằng các nguyên tắc tập quán chính của IHL được tóm tắt trong Điều 3 của Công ước Geneva năm 1949; nó cũng tương ứng với các “yếu tố cơ bản về nhân đạo” được đưa ra trong phán quyết của mình ở vụ Corfu Channel. Cuối cùng, liên quan đến Hiệp ước Hữu nghị, thương mại và hàng hải (FCN), đây là một hiệp ước song phương nên nó nằm ngoài phạm vi của Tuyên bố Vandenberg. Tòa tiếp tục quyết định xem các điều kiện để áp dụng Điều XXI của Hiệp ước Hữu nghị, thương mại và hàng hải (FCN) (về việc không công nhận thẩm quyền của Toà khi các vấn đề trong tranh chấp đưa ra Toà đụng chạm đến lợi ích sống còn của các bên ký kết) có thành lập hay không. Ở vấn đề này, điều khoản này được xây dựng một cách khách quan, chứ không dựa vào sự đánh giá chủ quan của 1 bên ký kết; do đó, Tòa có quyền xác định liệu các biện pháp được Hoa Kỳ sử dụng để bảo vệ “lợi ích an ninh thiết yếu” của mình có được coi là “cần thiết” hay không, hay chỉ đơn thuần là hữu ích.
Tòa trước hết chỉ ra rằng các tập quán về không sử dụng vũ lực đã bị Hoa Kỳ vi phạm thông qua một số hành vi, chẳng hạn như việc phá hoại cảng biển và một số cuộc tấn công quân sự trực tiếp. Tòa cũng tiếp tục chỉ ra rằng không tồn tại tình trạng tự vệ tập thể liên quan đến El Salvador, do đó không thể lấy lý do tự vệ tập thể này để biện luận cho hành vi quân sự sai trái của Hoa Kỳ tại Nicaragu – như vậy, sự hỗ trợ của quân nổi dậy Nicaragua ở El Salvador thông qua việc cung cấp vũ khí không đủ để làm phát sinh một cuộc tấn công vũ trang. Đối với các cuộc tấn công qua biên giới của Nicaragua, do các nước bị ảnh hưởng đã không yêu sách rằng mình là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang, nên đã không yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ vũ trang, và chính Hoa Kỳ chưa bao giờ thông báo cho Hội đồng Bảo an về vấn đề tự vệ chính đáng, theo quy định tại Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Hơn thế nữa, các biện pháp mà Hoa Kỳ áp dụng được cho là không “cần thiết” (necessary) theo bản chất của luật tự vệ chính đáng: những hành động của Hoa Kỳ được thực hiện vài tháng sau khi phần lớn phiến quân Salvador bị đẩy lùi, do đó không thể xem đây là tình huống phản ứng tức thì. Nguyên tắc về “tính cân đối (của hành vi tự vệ)” (proportionality) cũng không được tôn trọng, ví dụ như việc phá hoại cảng hay việc trên thực tế là hành động này đã được thực hiện sau các cuộc tấn công xuyên biên giới của Nicaragua một thời gian dài.
Thứ hai, Tòa thấy rằng các nguyên tắc không can thiệp đã bị vi phạm bởi các hành vi cưỡng chế của Hoa Kỳ, thông qua các nhóm contras được Hoa Kỳ hỗ trợ, đối các vấn đề mà đáng lẽ ra Nicaragua có quyền tự do quyết định. Mặt khác, Toà cho rằng việc hỗ trợ nhân đạo một cách đúng nghĩa nhất của nó không đủ để xem như là hành vi can thiệp trái với pháp luật, và các hỗ trợ nhân đạo này phải được thực hiện một cách không phân biệt (với tất cả các bên) để được xem là hợp pháp. Tòa cũng chỉ ra rằng các lực lượng đối lập trong một quốc gia không thể nhờ một quốc gia khác can thiệp – nếu điều đó được cho phép, nguyên tắc không can thiệp sẽ hoàn toàn bị phá vỡ, và có thể bị xoá bỏ. Mặc khác, ở mức độ nào đó, sự can thiệp có thể được coi là một biện pháp đối phó tập thể, biện pháp đối phó như vậy không thể bao hàm việc sử dụng vũ lực và hơn nữa, chỉ được các quốc gia bị ảnh hưởng mới được quyền áp dụng, đó chính là các quốc gia như: El Salvador, Honduras hoặc Costa Rica.
Thứ ba, Tòa tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã vi phạm chủ quyền của Nicaragua, không chỉ thông qua các hành vi đã bị Tòa kết luận là trái pháp luật, mà còn bởi sự xâm phạm không phận trái phép. Cuối cùng, Tòa án khẳng định rằng luật nhân đạo cũng đã bị vi phạm, đáng chú ý là thông qua sự phân phát giữa các tài liệu hướng dẫn của Cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ về chiến tranh tâm lý (Hoạt động tâm lý trong chiến tranh du kích – Operaciones sicológicas en Guerra de guerrillas). Đây được coi là sự vi phạm cơ bản các nguyên tắc nhân đạo trong bối cảnh chiến tranh chống khủng bố.
Ở một vấn đề riêng biệt, Tòa xem xét trên thực tế rằng Nicaragua đã đảm bảo được một số cam đoan nhất định theo yêu cầu của Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS) liên quan đến việc phi quân sự hóa, dân chủ hóa, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền. Những cam đoan này, mặc dù Tòa cho rằng về vấn đề này Nicaragua không có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện, đây chỉ là tuyên bố chính trị, mà thậm chí nếu các cam đoan này có được tính chất pháp lý lớn hơn là các tuyên bố chính trị này, thì các nghĩa vụ có thể được phát sinh sẽ là các nghĩa vụ đối với OAS mà không phải là đối với Hoa Kỳ. Do đó Hoa Kỳ thậm chí không có quyền ép buộc việc thực hiện các các cam đoan này, chưa kể đến là bằng việc dùng vũ lực để ép buộc. Thực tế rằng việc chính phủ, tạm gọi là, theo “chế độ độc tài cộng sản”, không phải là một nguyên nhân cho phép một chính phủ khác bất đồng với chính sách này can thiệp bằng vũ lực. Hơn nữa, Tòa cho biết, bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền phải bị xử phạt bởi các cơ chế kiểm soát việc thực hiện các quyền đó, chứ không phải bằng biện pháp vũ lực. Cuối cùng, Tòa lưu ý rằng không có quy tắc chung nào của tập quán quốc tế cấm một quốc gia thực hiện hành vi quân sự hoá của mình, dù ở mức độ nào đi chăng nữa.
Đối với Hiệp ước Hữu nghị, thương mại và hàng hải (FCN), Tòa cho rằng không thể xem như tất cả các hành vi đi ngược lại với tiêu chí và mục đích của một hiệp ước “thân thiện” – ví dụ như các hành vi mà về mức độ nào đó là hoàn toàn “không thân thiện” – là lập tức vi phạm hiệp ước này. Thay vào đó, hành vi không thân thiện chỉ được xem là vi phạm hiệp ước này khi chúng liên quan đến những vấn đề cụ thể được quy định trong đó. Trong trường hợp hiện tại, các hoạt động của Hoa Kỳ là trái với tinh thần của hiệp ước và các điều khoản cụ thể, ví dụ như thông qua các cuộc tấn công trực tiếp, phá hoại cảng biển, và cả lệnh cấm vận đột ngột – mặc dù không thông qua sự đóng băng việc viện trợ tự nguyện. Tuy nhiên, ngoại lệ liên quan đến lợi ích sống còn quy định tại Điều XXI không thể được Hoa Kỳ viện dẫn thành công, bởi vì các biện pháp của Hoa Kỳ thực hiện, khách quan mà nói khó có thể được coi là “cần thiết” cho an ninh quốc gia.
Cuối cùng, yêu sách của Nicaragua về việc yêu cầu bồi thường gây ra bởi các hành vi sai trái của Hoa Kỳ được chuyển đến giai đoạn sau nữa của quá trình tố tụng, trong đó Nicaragua sẽ phải chỉ ra mức độ chính xác thiệt hại. Đây là dịp để đưa Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về vấn đề này với hy vọng rằng sau tất cả, một thỏa thuận đàm phán có thể đạt được.
Phán quyết đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề quanh việc cấm sử dụng vũ lực và quyền phòng vệ.Việc trang bị và huấn luyện quân Contra, hay thả thủy lôi vào lãnh hải của Nicaragua, được coi là trái với nguyên tắc không can thiệp và cấm sử dụng vũ lực.
Việc đối phó của Nicaragua với quân đối lập ở El Salvador tuy có thể được coi là vi phạm nguyên tắc không can thiệp và cấm sử dụng vũ lực, nhưng không phải là "một cuộc tấn công vũ trang", cho phép quyền tự phòng vệ.
Tòa cũng xem xét khẳng định của Hoa Kỳ rằng hành động nhằm mục đích phòng vệ cho El Salvador không có căn cứ vì El Salvador chưa từng dề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ để phòng vệ.
Về việc thả thủy lôi, Tòa cho rằng "...việc thả thủy lôi vào vùng biển của Quốc gia khác mà không có cảnh cáo hay thông báo không chỉ là bất hợp pháp mà còn đi ngược lại với nguyên tắc về luật nhân đạo của Công ước Den Haag VIII năm 1907."
(Sảnh phẩm của FTC. Lưu hành nội bộ)
Tin liên quan
- BCVV Số 01: Ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn 2023-02-07 22:09:31
- CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ( MH02-LV1/17-01) 2021-11-08 15:54:20
- Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. 2023-02-07 22:19:19
- LÀM CHA MẸ HIỆU QUẢ (MH03-LV2/08-01) 2021-11-06 16:00:45
- NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG NHẤT ( MH02-LV1/03-02) 2021-11-06 15:54:56