Nhân cách người phạm tội: Khái niệm, đặc điểm, cấu trúc, phân loại, quá trình phát triển

Con người là một thực thể sinh học-xã hội. Trong quá trình tác động của những yếu tố bên ngoài, con người dần hình thành nhân cách của mình. Đối với người phạm tội, nhân cách xấu hình thành trong quá trình phát triển với những yếu tố tiêu cực đó.

Nhân cách người phạm tội:

Khái niệm, đặc điểm, cấu trúc, phân loại, quá trình phát triển

Con người là một thực thể sinh học-xã hội. Trong quá trình tác động của những yếu tố bên ngoài, con người dần hình thành nhân cách của mình. Đối với người phạm tội, nhân cách xấu hình thành trong quá trình phát triển với những yếu tố tiêu cực đó.

NỘI DUNG

1. Khái quát về nhân cách người phạm tội

Nhân cách được định nghĩa là một tập hợp các đặc tính của những kiểu mẫu hành vi, nhận thức, và cảm xúc được hình thành từ các yếu tố sinh học và môi trường.

Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lý của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy. Trong đó, tổ hợp có nghĩa là những thuộc tính tâm lý hợp thành nhân cách có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau là thành một hệ thống, cấu trúc nhất định.

Nhân cách người phạm tội là tổ hợp các phẩm chất, các thuộc tính tâm lý cá nhân thể hiện xu hướng chống đối xã hội và thái độ tiêu cực đối với các lợi ích, các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, luôn lựa chọn ý đồ và thực hiện hành vi phạm tội.

Những khiếm khuyết trong nhân cách của người phạm tội có thể là hậu quả của quá trình chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố xã hội tiêu cực, của quá trình tham gia vào các nhóm, các quan hệ xã hội không lành mạnh, nhưng đồng thời cũng là hệ quả tất yếu của sự buông lỏng, không chịu rèn luyện bản thân của cá nhân.

2.Những vấn đề liên quan đến nhân cách người phạm tội

2.1. Đặc điểm nhân cách người phạm tội

Thứ nhất, nhân cách người phạm tội không phải được sinh ra, mà là được hình thành. Nó không tự nhiên mà có, không phải cá nhân nào cũng có nhân cách phạm tội, mà nhân cách đó xuất hiện từ một giai đoạn phát triển nhất định nào đó của con người khi có những yếu tố bên ngoài lá chất xúc tác tiêu cực cho quá trình hình thành nhân cách tội phạm.

Thứ hai, về đặc tính của nhân cách tội phạm, nhân cách người phạm tội có tính tiêu cực và có tính giao lưu. Có nghĩa là nhân cách người phạm tội không thể tồn tại và phát triển bên ngoài hoạt động và giao lưu trong xã hội. Những yếu tố xã hội bên ngoài, mang tính chất tiêu cực hình thành trong quá trình hoạt động và giao lưu mà mỗi cá nhân tham gia vào có ý nghĩa quyết định phần lớn việc hình thành nhân cách tiêu cực, dẫn đến hành vi phạm tội. Đối với những yếu tố xã hội tiêu cực, những cá nhân điển hình mang nét tiêu cực hình thành phù hợp với những yếu tố đó. Một ví dụ điển hình có thể nhận thấy là khi tiếp xúc với một nhóm tội phạm, hoặc trong môi trường tội phạm, cá nhân sẽ hình thành nhân cách phạm tội, những cá nhân không đáp ứng được những “chuẩn mực” nhân cách tội phạm của nhóm đó chắc chắn bị loại thải. 

Thứ ba, hoạt động của cá nhân là con đường quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển, còn giao lưu là điều kiện tồn tại và là nhân tố phát triển của nhân cách. Và những hoạt động và giao lưu này luôn được thực hiện trong những nhóm nhất định. Tóm lại, nhân cách của con người được hình thành bởi những hoạt động đa dạng mà họ tham gia, bởi sự giao lưu trong các mối quan hệ xã hội (hoạt động học tập, lao động, vui chơi,...). Mỗi loại hoạt động đều đề ra con cho con người những yêu cầu nhất định, những phẩm chất tâm lý nhất định. Hoạt động phạm tội cũng như vậy, muốn phạm tội thành công, buộc cá nhân đó phải đáp ứng một số kỹ năng, kỹ xảo cũng như những nét tâm lý điển hình.

Như vậy, nhân cách phạm tội (hay bất cứ loại nhân cách nào khác) không phải tự nhiên mà có và cũng không phải do bẩm sinh di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhân cách người phạm tội được hình thành trong quá trình thực hiện tội phạm, quá trình tác động qua lại giữa cả nhân với môi trường sống xã hội tiêu cực. Nhân cách người phạm tội bao gồm những đặc điểm tâm lý không phù hợp với những chuẩn mực xã hội và luôn trái ngược với lợi ích của Nhà nước và cộng đồng. Ở những kẻ phạm tội, thông thường họ có thái độ xấu với các giá trị chuẩn mực xã hội.

Con người mới sinh ra chỉ là một thực thể sinh vật, tự nhiên đơn thuẫn với những nhu cầu bản năng có sẵn. Chính trong quá trình hoạt động và giao tiếp, con người đã tiếp thu những giá trị chuẩn mực xã hội, tiếp thu nền văn hóa... để tạo thành cái riêng của mình, mà chúng ta gọi là phần xã hội của con người, giá trị xã hội của con người, nhân cách của con người. Và do đó, mỗi kiểu xã hội có mẫu người tương ứng với chuẩn mực xã hội, với nền văn hóa của xã hội đó. Chẳng hạn: trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, mẫu người điển hình phải là người đánh giặc giỏi, tiêu diệt nhiều quân thù... ; còn thời nay, trong điều kiện kinh tế thị trường, mẫu người tiêu biểu phải có khả năng làm kinh tế, làm giàu cho bản thân và đất nước. Cũng tương ứng như vậy, trong thời kỳ bây giờ, chúng ta có những tội phạm về kinh tế như: trộm cước bưu chính viễn thông, làm giả hóa đơn VAT, lừa đảo người đi xuất khẩu lao động ... mà trước đây không hề có. 

Những đặc điểm nhân cách của cá nhân kẻ phạm tội được hình thành trong chinh hoạt động phạm tội, hoặc trong quá trình giao lưu với nhóm tội phạm. Chúng ta lấy ví dụ với một người phạm tội tham nhũng. Rõ ràng, từ bé tới trước khi phạm tội, người đó đã có nhiều những nét nhân cách phù hợp với chuẩn mực xã hội - có nghĩa là người đó không có sẵn “nhân cách tham nhũng” - thì mới có khả năng đạt tới một vị trí xã hội nào đó và thực hiện được hành vi phạm tội. Chính trong quá trình phạm tội, với sự tính toán, sự dằn vặt day dứt và chiến thắng sự day dứt đó, với sự căng thẳng, cảm giác tội lỗi lo âu... đã dần dần hình thành nên nhân cách tội phạm. Trong quá trình phạm tội, chắc chắn kẻ tội phạm có sự đấu tranh giữa mặt tốt và mặt xấu trong con người, mặt tích cực và mặt tiêu cực, giữa kết quả thu được và hậu quả khi thực hiện hành vi phạm tội. Một khi hành vi phạm tội diễn ra thành công, có nghĩa là hàng loạt các mặt tiêu cực đã chiến thắng, con người đã thoát khỏi sự do dự tính toán, kẻ phạm tội có tâm thể sẵn sàng hơn, có sự bình tĩnh và tự tin hơn để thực hiện những hành vi phạm tội lần sau. Đó chính là những nét nhân cách tội phạm.

Sự ảnh hưởng của nhóm tạo nên nhân cách phạm tội cũng rất rõ, đặc biệt đối với trẻ vị thành niên (đối tượng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số tội phạm). Đối với trẻ em vị thành niên, nhóm bạn bè vô cùng quan trọng, nhiều lúc và đối với nhiều em, bạn bè còn quan trọng hơn gia đình, bố mẹ. Chúng lấy chuẩn mực của nhóm bạn bè mà chúng chơi làm chuẩn mực cho mình, là cái đích để chúng phấn đấu. Do đó, thật dễ hiểu nếu trẻ em không may chơi bời, giao du với những nhóm trẻ phạm tội, chúng sẽ bị nhiễm, và dần dần hình thành nên nhân cách tội phạm. 

Hoạt động phạm tội không phải do bẩm sinh di truyền, mà do sự tự giác của cá nhân hoặc trong hoạt động giao lưu mà cá nhân ảnh hưởng lẫn nhau giữa các thành viên của nhóm phạm tội). Đối với người phạm tội, họ thường có quan niệm sống sai lầm, đi ngược lại với xã hội, ví dụ như đề cao giá trị vật chất. Họ thường không có kỹ năng đáp ứng yêu cầu xã hội, yêu cầu của nhóm chính thức...

2.2. Cấu trúc nhân cách người phạm tội

a.Xu hướng của người phạm tội

Xu hướng nói lên chiều hướng phát triển của nhân cách. Theo đó nhân cách phát triển từ đâu, theo chiều hướng nào.

Người phạm tội hướng tới những lợi ích mà những lợi ích đó đối lập với lợi ích xã hội, xâm phạm tới lợi ích chính đáng và hợp pháp của người khác

Xu hướng bao gồm: nhu cầu, hứng thú, lý tưởng, thế giới quan, niềm tin.

Một đặc trưng cơ bản trong nhân cách của người phạm tội thiếu sự cân bằng giữa các loại nhu cầu và hứng thú. Trong đó nhu cầu và hứng thú vật chất cao hơn, chiếm ưu thế hơn so với nhu cầu tinh thần và nhu cầu xã hội. Đặc trưng này là biểu hiện của sự suy thoái nhân cách cũng như lối sống ở người phạm tội. Ví dụ như vì vấn đề tiền bạc của bản thân hay vì các nhu cầu thấp hèn mà người phạm tội có thể dùng mọi thủ đoạn như dụ dỗ, đâm chém, giết, … nhằm đạt được mục đích phạm tội.

Cội nguồn của hành vi phạm tội không phải ở bản thân nhu cầu mà là ở sự ý thức sai về nhu cầu và con đường thỏa mãn nhu cầu.

Thế giới quan, niềm tin ở người phạm tội phát triển lệch lạc khác với ở con người bình thường trong xã hội:

thế giới quan của người phạm tội được hình thành trên cơ sở quan niệm, quan điểm, nhận thức lệch lạc, sai trái như tôn thờ chủ nghĩa vật chất ích kỷ, mang nặng chủ nghĩa cá nhân.

niềm tin của người phạm tội đã mất hết ý nghĩa đúng đắn và thiêng liêng giữa con người với nhau: họ không còn tin ai (kể cả ruột thịt), chỉ tin vào sức mạnh bạo lực, sức mạnh đồng tiền

b.Năng lực của người phạm tội

Năng lực của cá nhân phát triển theo chiều hướng để đạt hiệu quả trong hoạt động tội phạm, cho nên năng lực của người phạm tội phát triển ở cả những lĩnh vực liên quan tới hoạt động phạm tội. Đối với hoạt động phạm tội thì kỹ năng, kỹ xảo phạm tội rất phát triển, vì thế những hành vi phạm tội được thực hiện chuẩn xác, mau lẹ, kín đáo và thuần thục

Do bị chi phối bởi xu hướng của hành động phạm tội, nên ở người phạm tội thường phát triển năng lực với các kỹ năng, kỹ xảo hành động phạm tội.

Tùy theo từng loại tội phạm cụ thể, ở người phạm tội phát triển các thuộc tính, các kỹ năng phù hợp, cấu thành năng lực chuyên biệt giúp họ thực hiện các hành động phạm tội cụ thể. 

c.Tình cảm và ý chí của người phạm tội

Tình cảm và ý chí của người phạm tội thường nghèo nàn, các tình cảm cao cấp như tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ và tình cảm trí tuệ kém phát triển. Trong đó, tình cảm đạo đức bị suy thoái nghiêm trọng, mất chức năng động cơ thúc đẩy các hành vi xã hội và hoạt động tích cực của con người. Cái thiện bị thay thế dần dần bởi cái ác, các phẩm chất ý chí tích cực ở người phạm tội kém phát triển bị lấn át bởi các phẩm chất ý chí tiêu cực

Tuy nhiên trong các hành động phạm tội, ở các đối tượng phạm tội luôn thể hiện tính mục đích cao, tính quyết đoán, sự kiên trì và nỗ lực ý chí lớn

d.Tính cách của người phạm tội

Tính cách của người phạm tội, nhất là của những đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm thường bao gồm các nét xấu xa, tiêu cực.

Thái độ của người phạm tội đối với xã hội thường là lệch lạc, họ chà đạp lên đạo đức và dư luận xã hội, bị chi phối và điều chỉnh bởi các mục đích phản xã hội, sống buông thả, tự do, coi thường đạo đức, coi thường pháp luật, sẵn sàng chà đạp lên dư luận, bất chấp lẽ phải, kỷ cương.

Tính cách của người phạm tội là kết quả của quá trình thực hiện các hoạt động phạm tội (thể hiện rõ nhất ở “tội phạm chuyên nghiệp”). Cho nên ở người phạm tội, sự “bình tĩnh” mang tính chất thủ đoạn nhằm tránh tội khi khai báo, “bản lĩnh” mang nặng tính chất lì lợm nhằm hạn chế đến mức tối đa những sơ hở trong quá trình “hành nghề”. Những “tính cách giả” xuất hiện ở cá nhân khi mới gia nhập nhóm không chính thức tiêu cực tới cá nhân trong 1 thời gian dài.

e.Khí chất của người phạm tội

là yếu tố liên quan chặt chẽ với kiểu thần kinh của con người. Những loại khí chất đặc trưng là: hăng hái, bình thản, nóng nảy và ưu tư. Trong đó, những người có kiểu khí chất nóng nảy mạnh mẽ nhưng không cân bằng cảm xúc và ưu tư yếu đuối, tự ti, dễ bị lôi kéo thường có hành vi phạm tội cao hơn.

Trong quá trình thực hiện phạm tội với những tình huống “căng thẳng” cản trở việc thực hiện mục đích, nhiều cá nhân phải “điều tiết” liên tục hệ thần kinh, khí chất vốn có của mình cho phù hợp với hiện thực. Bởi thế có những trường hợp người phạm tội lại có những hành vi “hình như khác xa với hành vi bản tính” thường ngày.

2.3.Phân loại nhân cách người phạm tội

a.Phân loại theo A.I.Đôngôva

Theo A.I.Đôngôva có 3 loại nhân cách người phạm tội:

Loại hình nhân cách phạm pháp có hệ thống: không chỉ lợi dụng hoàn cảnh mà còn tự bản thân tạo ra hoàn cảnh, vượt qua mọi trở ngại để thực hiện âm mưu tội lỗi. Ở họ, hành vi phạm tội đã trở thành thói quen.

Loại hình nhân cách phạm pháp do chuẩn mực đạo đức, pháp luật lỏng lẻo:

Loại hình nhân cách bối cảnh: hành vi phạm tội xảy ra trong hoàn cảnh xung đột

b.Phân loại theo mức độ của những đặc điểm, phẩm chất tâm lý tiêu cực để phân loại về nội dung

Nhân cách tội phạm toàn thể: có thái độ xấu với xã hội, hành vi phạm tội được định hình, cuộc sống không ngoài tội phạm, thường xuyên gắn liền với tính toán và hoạt động phạm tội (gọi là tội phạm chuyên nghiệp)

nhân cách tội phạm cục bộ: có sự phân đôi các phẩm chất, vừa có những phẩm chất hợp chuẩn, vừa có những phẩm chất không hợp chuẩn (thường thấy ở tội phạm tham ô, hối lộ, buôn lậu, …)

Nhân cách tội phạm tiểu cục bộ: có một số phẩm chất tiêu cực mà trong tình huống nhất định đã thúc đẩy cá nhân phạm tội (VD ghen tuông, xúc phạm nhau dẫn đến phạm tội)

c.Căn cứ theo khách thể bị xâm hại và đặc điểm hành vi phạm tội:

Nhân cách người phạm tội vụ lợi: thể hiện rõ tính vụ lợi trong hoạt động, giao tiếp, quan hệ, ứng xử hàng ngày

Nhân cách người phạm tội bạo lực: tính ích kỷ cao, không có thái độ dung hòa khi lợi ích cá nhân bị va chạm, tính quyết đoán cao, nhân tâm, tàn bạo, coi thường người khác, thường sử dụng bạo lực trong giải quyết xung đột, mâu thuẫn

Nhân cách người phạm tội vụ lợi – bạo lực: có sự pha trộn, kết hợp của 2 nhân cách trên

d.Căn cứ vào ý thức trong hoạt động phạm tội:

Nhân cách người phạm tội chuyên nghiệp, tái phạm: coi thường pháp luật, hành vi phạm tội luôn được tiến hành một cách thuần thục; có sự rối loạn, lệch lạc tâm lý

nhân cách người phạm tội vô ý: không có động cơ, mục đích phạm tội; tuy nhiên thiếu tự giác, thiếu tuân thủ kỷ luật, kém kiềm chế, từ đó dẫn đến sự chủ quan, cẩu thả, lệ thuộc vào tình huống, người đó vi phạm các quy tắc phòng ngừa, không nhận thấy hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Cũng có thể hành động phạm tội trong tình trạng vô ý, bất cẩn, hoặc có sự quá tải về tâm sinh lý hay cảm xúc tiêu cực

3.Quá trình phát triển nhân cách người phạm tội

Nhân cách của người phạm tội là kết quả của sự phát triển nhân cách với những khiếm khuyết, lệch lạc hoặc  suy thoái về nhân cách. Quá trình hình thành nhân cách có những sai sót và lệch chuẩn thường bao gồm các giai đoạn: Sự biếng nhác, sự giáo dục sai cách, bạo lực gia đình hay sự không quan tâm của gia đình, xã hội… là các yếu tố bên ngoài tác động vào trẻ, khiến cho trẻ có mong muốn bỏ nhà đi lang thang(tìm nguồn vui,  theo bạn bè, sợ cha mẹ trừng phạt, mong muốn có chốn dung thân. Đó là hệ quả của sự hấp dẫn hình thành trong nhân cách người phạm tội. Khi đã gặp được môi trường thích hợp để nuôi dưỡng hành vi sai trái, các hành vi lặp đi lặp lại ở tần suất cao, mức độ sai lệch của hành vi sẽ ngày càng lớn, ví dụ như dẫn đến hành vi tụ tập trong một nhóm phi chính thức  trung lập hời hợt hoặc trong một nhóm phi chính thức tiêu cực (chưa phải là nhóm tội phạm. Từ đó, những hành vi phạm tội như trộm cắp  hoặc nghiện ma tuý diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Đối với tội phạm về ma tuý cùng với hành vi lệch chuẩn  thường thấy ở trẻ vị thành niên phạm pháp.

Không phải người phạm tội nào cũng trải qua tất cả  các giai đoạn trên, có người chỉ trải qua một số giai đoạn, nếu biểu hiện thêm các triệu chứng trên thì càng dễ  phạm tội.

Quy luật 1: sự phát triển tâm lý hành vi tiêu cực dao động dần. 

Hành vi tiêu cực lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen. Lần đầu tiên thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng sẽ cảm thấy day dứt với hành động mà mình gây ra. Tuy nhiên, khi đã thực hiện hành vi nhiều lần, người phạm tội sẽ thực hiện hành vi phạm tội với thái độ bình tĩnh, không còn dấu hiệu của sự day dứt. Từ đó, tần suất cũng như mức độ thực hiện hành vi sẽ tăng dần lên, dẫn tới những hành vi phạm tội ngày càng nghiêm trọng và có hậu quả xấu hơn trong quá trình phạm tội của mình. Sự vi phạm chuẩn mực thông thường làm cho những vi phạm chuẩn mực khác dễ dàng hơn theo chiều hướng ngày càng xấu đi.  

Quy luật thứ 2: Sự phát triển tâm lý hành vi tiêu cực theo tuyến ứng xử. 

Ví như: Hành vi trộm cắp vặt mà không phát hiện và xử lý kịp thời, dễ có chiều  hướng thực hiện hành vi trộm cắp ngày càng lớn hơn.

4.Liên hệ thực tiễn Đối với hành vi trộm cắp tài sản

Trước hết, về đặc tính của hành vi phạm tội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Nguyên nhân có thể là do nhiều đối tượng do lười lao động, có điều kiện, khả năng tìm kiếm việc làm, tự lao động để tạo ra thu nhập để phục vụ cho bản thân và gia đình nhưng với ý thức lười lao động, thích hưởng thụ trên thành quả lao động của người khác mà thực hiện hành vi lén lúc chiếm đoạt tài sản của người khác. Nguyên nhân khác cũng có thể là do nạn thất nghiệp, thiếu việc làm, dẫn đến đời sống con người khó khăn. Tất cả các nguyên nhân trên khiến cho các đối tượng tìm đến con đường phạm tội, mà cụ thể ở đây là trộm cắp tài sản. Các đối tượng này chủ yếu là các đối tượng nghiện game, nghiện ma túy, bỏ học sớm, sống lang thang…thiếu hiểu biết các quy định pháp luật, thiếu sự quan tâm, chăm sóc giáo dục từ phía gia đình, sự giáo dục từ cộng đồng xã hội cũng như ảnh hưởng xấu từ bên ngoài đã gián tiếp khiến cho họ có ý muốn thực hiện hành vi phạm tội.

Đối tượng thực hiện hành vi có thái độ xấu đối với xã hội, tội phạm thường xuyên thực hiện các hoạt động trộm cắp tài sản liên tục thường xuyên gắn với sự tính toán để thực hiện hành vi đó. Người phạm tội trộm cắp tài sản coi thường pháp luật thực  hiện hành vi một cách thuần thục, nhằm chiếm đoạt tài sản phục vụ nhu cầu của bản thân hoặc bán lấy tiền tiêu xài.

Xét về quá trình phạm tội của đối tượng có thể thấy  hành vi trộm cắp tài sản hình thành do việc đối tượng đã tiếp xúc với hoạt động trộm cắp tài sản từ những đối tượng xấu từ đó dần hình thành ý chí phạm tội. Trong lúc lần đầu thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, đối tượng sẽ cảm thấy lo lắng, bất an trong việc thực hiện. Tuy nhiên, khi đã thực hiện hành vi nhiều lần, đối tượng sẽ thuần thục những kỹ năng cần thiết trong việc thực hiện hành vi đó, đồng thời tự tin hơn khi phạm tội để rồi thực hiện hành vi nhiều lần hơn nữa. Thậm chí, đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản còn gia tăng giá trị tài sản mà mình mong muốn trộm được… đó là hệ quả của việc gia tăng tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

Có thể kết luận lại rằng, việc hiểu rõ nhân cách người phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm. Không chỉ có vậy, nhận thấy những sự phát triển lệch lạc của nhân cách người phạm tội, chúng ta cũng có thể đưa ra những biện pháp nhằm giáo dục định hướng và tổ chức dẫn dắt quá trình hình thành, phát triển nhân cách của cá nhân, cũng như can thiệp, điều chỉnh các yếu tố khác nhằm tạo sự thuận lợi cho quá trình phát triển nhân cách, tránh những biểu hiện của tội phạm.

(Sản phẩm của FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ)