NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ
Sự phát triển của nhã nhạc cung đình Huế, đặc điểm của dòng nhạc Hoàng gia, bảo tồn phát triển di sản văn hoá
NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ
Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc của cung đình thời Nguyễn, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác).Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.
Nhã nhạc Việt Nam hình thành rõ nét và được sử sách ghi lại từ triều đại Lý – Trần, và theo đó các triều đại phong kiến tiếp theo giữ gìn, phát triển, bổ sung , sáng tạo ngày càng phong phú, tinh tế. Từ những năm 30 của thế kỉ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, nhã nhạc dần trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá Việt Nam. Thời kỳ thịnh vượng nhất của nhã nhạc là giai đoạn nhà Nguyễn từ sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi cho đến khi kinh thành Huế thất thủ vào tay thực dân Pháp năm 1885. Nhã nhạc triều Nguyễn đã kế thừa và phát triển Nhã nhạc triều Lê, chẳng hạn nó bao gồm các loại nhạc dùng trong tế Giao, tế Miếu, lễ Đại triều, lễ Đại yến, lễ Thượng thọ… Vì thế có thể hiểu Nhã nhạc hay Lễ nhạc là loại nhạc được triều đình quy định một cách chặt chẽ, mang tính nghi lễ là chủ yếu, chứ không bao gồm các nhạc du hí trong cung đình. Nhã nhạc còn có nghĩa hẹp và nghĩa phụ là tên gọi của một tổ chức âm nhạc cung đình. Chúng ta hiểu Nhã nhạc là loại nhạc thanh lịch, tao nhã với nghĩa rộng như trên, với ý nghĩa là đối lập với tục nhạc là nhạc trong dân gian (theo cách hiểu và gọi của chế độ phong kiến).
Khác với các thể loại âm nhạc khác của Việt Nam, Nhã nhạc cung đình là loại hình âm nhạc duy nhất mang tính quốc gia.
Nhã nhạc cung đình Huế hiện nay tồn tại dưới ba hình thức gồm Đại nhạc, Tiểu nhạc và Múa cung đình.
- Dàn Đại nhạc: Là dàn nhạc rất quan trọng trong hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế, diễn tấu với những hình thức quan trọng nhất trong những buổi lễ, có âm lượng lớn, nhạc cụ chủ yếu là dàn trống và kèn. Dàn đại nhạc thường được dùng trong lễ tế như tế Nam Giao, tế Miếu...
So với dàn Đại nhạc được mô tả trong các dữ liệu thì dàn nhạc hiện nay có biên chế gọn nhẹ hơn. Cấu trúc dàn Đại nhạc gồm Bộ gõ (trống đại, trống chiến, trống bồng, não bạt hay xập xoã, mõ sừng trâu, trống cơm); Bộ hơi (kèn); Bộ dây (đàn nhị).
- Múa cung đình: Múa cung đình triều Nguyễn tiếp thu những điệu múa từ cung đình và dân gian của các triều đại trước, nâng cao và sáng tạo thành những điệu múa mới mang đặc trưng của nghệ thuật biểu diễn thời Nguyễn. Múa cung đình triều Nguyễn chủ yếu là múa tập thể, tư tưởng chủ đề thường biểu hiện ở các đội hình di chuyển và kết thúc bằng một đội hình ngưng đọng. Một số điệu múa cung đình nổi bật là múa bát dật, Múa lục cúng hoa đăng, Múa lân mẫu xuất lân nhi.
Khác với các thể loại âm nhạc khác của Việt Nam, Nhã nhạc cung đình là loại hình âm nhạc duy nhất mang tính quốc gia.
Nhã nhạc Việt Nam có hệ thống các bài bản rất phong phú, chỉ riêng hệ thống nhạc chương đã có hàng trăm bản, đó là chưa kể đến các bản khí nhạc dành cho Tiểu nhạc, Đại nhạc và Huyền nhạc...
Các nhạc khí có những thang âm khác nhau khi trang nhã, tiếng trong tiếng đục, tiếng nhặt, tiếng khoan, khi dồn dập, khi khoan thai, khi rộn rã, khi ưu tư...
Đặc biệt, trong tất cả các nhạc khí và nhạc cụ giá trị nhất của Việt Nam đều có mặt trong dàn nhạc cung đình triều Nguyễn, gắn với các tiết tấu phong phú và các bài bản có nội dung sâu sắc.
Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.
Dàn nhạc cung đình thường có quy mô lớn và các chủng loại phong phú với đầy đủ các chủng loại như Bộ nhạc cụ hơi (sáo, kèn...); bộ dây (đàn nhị, nguyệt, tỳ bà, đàn tam...); bộ nhạc cụ màng rung (trống chiến, trống bảng, trống đại, trống bồng...); bộ nhạc cụ thể minh (chuông, xập xỏa, lục lạc, mõ sừng, sinh tiền, tam âm la, phách...).
Tất cả các chủng loại nhạc khí trên thể hiện trình độ điêu luyện về âm nhạc, trình độ chế tác thủ công, mỹ thuật tạo hình... của những nhạc sư, những người thợ Việt Nam xưa.
Nhã nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả nghệ thuật biểu diễn. Nói đến Nhã nhạc là nói đến kỹ thuật biểu diễn khí nhạc, trong đó mỗi nhạc cụ đều áp dụng một mức độ kỹ thuật điêu luyện nhất định.
Với những nhạc cụ dây thì các kỹ thuật như rung, vuốt, vỗ, nhấn, vê được áp dụng như những nguyên tắc để tạo nên vẻ đẹp của giai điệu.
Với kèn Bóp, một nhạc cụ nằm trong hệ thống Đại nhạc thì tiếp hơi là kỹ thuật tinh tế nhất đòi hỏi nhạc công phải luyện tập công phu, nhất là tập luyện để có hơi thở sâu...
Các nghệ nhân trình diễn Nhã nhạc cũng được rèn luyện một cách công phu và nghiêm ngặt. Trong quá trình hòa tấu, các nhạc công phải chú ý lắng nghe nhau, nhất là nghe tiếng trống báo hiệu để vào "thủ," ra "vĩ" thật nhịp nhàng, ăn ý.
Nhã nhạc không chỉ có ảnh hướng lớn đến nhiều loại hình âm nhạc khác trong vùng như ca Huế, nhạc tuồng; nhạc múa cung đình, mà còn vượt thoát khỏi vùng đất khai sinh ra nó, lan tỏa vào phía Nam, góp phần khai sinh ra những hình thức nghệ thuật biểu diễn mới như Đờn ca tài tử và Cải lương.
Cùng với nhạc khí và nhạc cụ, các vũ điệu và ca từ (ca hát) cũng được thể hiện rất phong phú, chứa đựng những nội dung mang tính bác học. Những giá trị này đã tạo cho âm nhạc cung đình có phong cách khác với các loại hình âm nhạc khác của Việt Nam và thế giới.
Hầu hết những nhạc chương của Nhã Nhạc đều do Bộ Lễ biên soạn. Tùy theo tính chất khác nhau của những buổi lễ mà nhạc chương cũng sẽ khác nhau. Ví dụ như lễ tế Giao sẽ có 10 nhạc chương và mang chữ Thành, cốt thể hiện sự thành công. Trong khi đó, lễ Tế Xã tắc sẽ có 7 nhạc chương mang chữ Phong với ngụ ý cầu mong được mùa. Tế Miếu có 9 nhạc chương, mang chữ Hòa mong được hòa hợp. Tế Lịch Đại Đế vương có 6 nhạc chương, mang chữ Văn cốt thể hiện trí tuệ. Vào dịp Lễ Đại triều sẽ dùng 5 bài mang chữ Bình ngụ ý hòa bình. Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ Thọ với ý nghĩa trường tồn và Lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ Phúc để thể hiện phúc lành.
Trong giai đoạn đầu của thời vua Gia Long, triều đình đã kế thừa hình thức và cấu trúc Nhã Nhạc trước đó với Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đài triều nhạc và Bộ Lễ bổ sung thêm các loại thể nhạc khác như Huyền Nhạc, Ty Trúc Tế Nhạc, Ty Chung, Ty Khánh và Ty Cổ, cốt để phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình mới.
Nhã nhạc Huế được lưu truyền trong đời sống nhân dân một cách rộng rãi với nhiều hình thức diễn xướng trong các lễ hội, các nghi thức truyền thống, biểu diễn tại các chương trình âm nhạc. Trang nghiêm mà gần gũi, dân dã nên Nhã nhạc Việt Nam được ưa thích, lưu truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của nghi lễ cung đình Việt Nam với hàng trăm nghi lễ khác nhau hằng năm. Tuy nhiên, vai trò của Nhã nhạc không chỉ giới hạn ở việc hòa nhạc phục vụ các nghi lễ mà còn cho thấy là một phương tiện giao tiếp và thể hiện lòng tôn kính đối với thần linh và các vua chúa thời phong kiến, cũng như truyền tải được những tư tưởng triết lý và tri thức về vũ trụ của người Việt Nam.
Nhã Nhạc cung đình Huế vừa là nét đẹp văn hóa, là nơi hội tụ tinh hoa của nền âm nhạc nước ta và vinh dự được công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Giữa tháng 12/2003, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO) công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Ngày 31/1/2004 tại Paris thủ đô nước Pháp, lễ đón Bằng công nhận đã được tổ chức. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu được UNESCO công nhận – một vinh dự to lớn cho cả dân tộc Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.
Nhã nhạc cung đình Việt Nam hay còn gọi là Nhã nhạc cung đình Huế hoặc Nhã nhạc Huế (vì Huế là kinh đô cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam) là một loại hình nghệ thuật đặc sắc. Trước đó quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể của nhân loại. Với sự công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là di sản phi vật thể, một lần nữa Huế lại được tôn vinh, giới thiệu cho thế giới một nghệ thuật đặc sắc mà chỉ một số ít quốc gia có được và giữ gìn đến ngày nay. Nhã nhạc là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Huế, và là một trong những tài sản vô giá mà nước Việt ta may mắn sở hữu.
Công tác bảo tồn Nhã Nhạc cung đình Huế đã luôn được chú trọng vào những năm qua. Hiện nay, Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế đã bảo tồn được một số bản nhạc cung đình quan trọng như 10 bản Ngự gồm Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xung phong, Long hổ, Tẩu mã, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, v.v.
Không chỉ bảo tồn và phục hồi những tác phẩm âm nhạc, dòng nhạc cung đình Huế còn thường xuyên được thể hiện thông qua các buổi biểu diễn với các hình thức diễn xướng khác nhau vào những dịp lễ hội như Festival Huế, lễ hội Phật giáo, lễ hội dân gian, âm nhạc thính phòng, v.v. Nếu có dịp đến đây, bạn cũng có thể dạo quanh một vòng khu trưng bày triển lãm giới thiệu chi tiết về Nhã Nhạc cung đình Huế qua phục trang, mặt nạ, các loại tư liệu và nhạc cụ.
(Sản phẩm của FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ)
Tin liên quan
- 10 LOẠI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC TRỌNG DỤNG TRONG CÔNG TY 2021-11-18 15:25:36
- 10 điều có thể bạn chưa biết về lợi ích của lá tía tô. 2023-02-13 22:42:26
- ĂN TRÁI MĂNG CỤT MỖI NGÀY, 100 ĐIỀU KỲ DIỆU ĐẾN VỚI SỨC KHỎE 2023-02-08 07:46:19
- Các khoản thu và chi của ngân sách địa phương 2023-02-10 11:24:10
- CÁC NGUYÊN TẮC VÀNG CHO NHÂN VIÊN VĂN PHÒNG 2021-11-18 16:07:44