KHÁI QUÁT VỀ DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM VÀ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

 KHÁI QUÁT VỀ DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM VÀ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

1.1.  Khái niệm doanh nghiệp bảo hiểm

Theo khoản 5 điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010) quy định: “doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm”

Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến kinh doanh bảo hiểm. doanh nghiệp bảo hiểm là một loại doanh nghiệp dịch vụ, hoạt động của nó cũng nhằm mục đích sinh lời.

1.2.  Khái quát về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm

1.2.1.   Khái niệm hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm

Việc tiêu thụ sản phẩm dựa trên quy trình: phí bảo hiểm – tiền bán sản phẩm bảo hiểm được thu trước, còn cam kết bồi thường, trả tiền bảo hiểm – giá trị sử dụng của sản phẩm chỉ được thực hiện sau khi mua một khoảng thời gian nhất định nào đó. Đó chính là một trong những đặc trưng nổi bật của hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã nêu trên: “sự đảo ngược của chu kỳ sản xuất kinh doanh”. Từ phí bảo hiểm của những khách hàng tham gia bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm có trong tay một quỹ tài chính rất lớn gọi là "tiền nhàn rỗi". Số quỹ tài chính này sẽ không được sử dụng để bồi thường hết ngay mà doanh bảo hiểm có thể sử dụng lượng “tiền nhàn rỗi” này để đầu tư vào nền kinh tế. Như vậy, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm là việc các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng quỹ "tiền nhàn rỗi" để đầu tư vào các lĩnh vực mà pháp luật quy định.

1.2.2.   Đặc điểm hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm

Một là, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thực hiện các hoạt động đầu tư trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh toán cho các hợp đồng bảo hiểm khi phát sinh sự kiện bảo hiểm. doanh nghiệp bảo hiểm sẽ sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi để đầu tư sinh lời nhằm để đảm bảo chi trả cho các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận với người tham gia bảo hiểm.

Hai là, nguồn thu nhập của doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu dựa vào hiệu quả của việc đầu tư, chứ không chỉ dựa vào chênh lệch giữa nguồn doanh thu phí bảo hiểm với chi phí bồi thường/trả tiền bảo hiểm. Chính vì vậy, hiệu quả đầu tư sẽ có khả năng đảm bảo cho doanh nghiệp bảo hiểm đối mặt với những rủi ro từ các hợp đồng bảo hiểm. Ngay cả khi có những rủi ro có tính chất hàng loạt thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có thể đảm bảo khả năng chi trả khi có được hiệu quả đầu tư tốt.

1.2.3.   Vai trò của hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm

  • Đối với nhà nước và xã hội

Một trong những vai trò quan trọng của hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm đối với nền kinh tế là việc huy động vốn cho nền kinh tế quốc dân. doanh nghiệp bảo hiểm đóng vai trò là tổ chức trung gian tài chính giống như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, ...còn bảo hiểm là hoạt động dịch vụ tài chính. Là một trung gian tài chính, công ty bảo hiểm thu hút vốn, cung ứng vốn, góp phần đáp ứng nhu cầu về vốn, thúc đẩy tăng nhanh luân chuyển vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư còn có tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tích lũy quốc dân. Góp phần vào sự phát triển của các nghành, các lĩnh vực trong nền kinh tế, góp phần ổn định xã hội.

  • Đối với doanh nghiệp bảo hiểm

Thứ nhất, hoạt động đầu tư ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm. Tỷ suất lợi nhuận đầu tư cao sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm có điều kiện giảm phí bảo hiểm, từ đó giành khách hàng từ các đối thủ cạnh tranh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của thị trường bảo hiểm hiện nay. Cạnh tranh thông qua phí bảo hiểm – tức là giá cả của dịch vụ bảo hiểm vẫn được coi là nhân tố hàng đầu đối với các tầng lớp dân cư có mức thu nhập bậc trung trở xuống. Việc tạo ra sản phẩm bảo hiểm với mức phí linh hoạt, nhạy cảm với biến động của lãi suất đã làm nảy sinh mối quan hệ qua lại giữa hoạt động đầu tư và hợp đồng bảo hiểm.

Thứ hai, hoạt động đầu tư chi phối chiến lược thiết kế và bán sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm thông qua việc ảnh hưởng tới quá trình định giá các sản phẩm bảo hiểm, mở rộng phạm vi trách nhiệm hay tăng quyền lợi cho người được bảo hiểm.

Thứ ba, hoạt động đầu tư giúp các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình đối với người tham gia bảo hiểm. Trong các hợp đồng BHNT, sản phẩm bảo hiểm không chỉ có tính rủi ro mà còn có tính tiết kiệm. Khi thiết kế sản phẩm BHNT, công ty bảo hiểm đã dự kiến mức lãi trả cho khách hàng dưới hình thức lãi kỹ thuật. Do đó việc đầu tư có hiệu quả tiền phí bảo hiểm không đơn thuần là phát triển quỹ tài chính bảo hiểm, mà là trách nhiệm của công ty bảo hiểm để đảm bảo trả lãi cho khách hàng như đã cam kết.

Thứ tư, hoạt động đầu tư đóng góp vào sự tăng trưởng và lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm.

"Sản phẩm trên thuộc FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ"