HUYỀN THOẠI THÀNH TROY, GHI DẤU LỊCH SỬ HY LẠP CỔ ĐẠI

Văn minh Hy Lạp cổ đại, nền móng của văn minh phương tây

HUYỀN THOẠI THÀNH TROY, GHI DẤU LỊCH SỬ HY LẠP CỔ ĐẠI

Huyền thoại về Trận chiến thành Troy rất nổi tiếng. Qua hàng thế hệ người ta đã thưởng thức các vở kịch, truyện kể, tiểu thuyết, và phim ảnh về các kỳ công của Achilles, Odysseus, Helen, và nhiều nhân vật Hy Lạp đầy mê hoặc khác.

Chắc chắn bạn đã từng xem qua bộ phim Troy (2004). Bộ phim rất hấp dẫn, đầy ấn tượng về một thiên anh hùng ca giữa các quân đoàn do các bậc anh hùng khôi ngô, uy dũng đánh nhau tại một thành lũy huyền thoại để tranh giành một giai nhân. Khi phim được trình chiếu nhiều người xầm xì không biết những sự kiện xảy ra có thật không. Họ bỏ quên một điều là câu chuyện được mô tả trên phim dựa vào thiên anh hùng ca Iliad của Homer không hề thực sự xảy ra trong thực tế, mà chỉ là một huyền thoại.    

Tuy nhiên, đối với người cổ Hy Lạp, Trận chiến thành Troy cực kỳ quan trọng. Các phiên bản của họ về trận chiến có tầm ảnh hưởng lớn lao đến cách thức họ sống cuộc đời của mình.

Lịch sử Hy Lạp xa xưa rất khó tách bạch với huyền thoại. Trận chiến thành Troy là một ví dụ điển hình về sự phối hợp giữa hiện thực và giả tưởng.

Người Hy Lạp sẵn sàng chấp nhận câu chuyện thành Troy mặc dù có nhiều phiên bản khác nhau về nó. Người cổ Hy Lạp xem câu chuyện thành Troy là có thật và không đòi hỏi chứng cứ nào hết. Tất nhiên, những bộ óc hiện đại thấy khó chấp nhận câu chuyện nếu không có chứng cứ. Các sử gia cố nêu lên chứng cứ khảo cổ với những thông tin có trong tác phẩm văn chương nguyên gốc, trong đó có thiên anh hùng ca của Homer.

Huyền thoại Trận chiến thành Troy bao gồm một số lớn nhân vật và sự cố đặt vào thời điểm khoảng thời đại Mycenae (xem Chương 2), có lẽ 1300-1200BC.

Cao điểm của câu chuyện bao gồm những vai lớn và những sự kiện chủ yếu sau:

Một trận chiến do tình yêu thúc đẩy: Trong lúc thi hành sứ mệnh ngoại giao đến triều đình của vua Menelaus xứ Sparta, Paris, một trong những con trai của vua Priam xứ Trojan, đâm ra yêu người vợ xinh đẹp của Menelaus và trốn chạy cùng nàng về Troy. Chuyện này gây ra một khủng hoảng thực sự vì anh của Menelaus là Agamemnon, vua xứ Mycenae, một vị vua hùng mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất trong tất cả các lãnh tụ của toàn Hy Lạp.

Chuyện cá nhân thành xung đột chính trị: Menelaus triệu tập tất cả những nhà quý tộc Hy Lạp khác để kết liên minh trong cuộc tấn công thành Troy trong một nỗ lực nhằm trả thù cho sự sỉ nhục. Agamemnon huy động một đoàn chiến thuyền hùng mạnh dong buồm từ Aulis trên bờ đông Hy Lạp , đổ bộ lên bãi biển bên ngoài thành Troy (ngày nay là một vị trí phía tây Thổ nhĩ kỳ). Và do đó, Helen trở thành ‘dung nhan phát động một nghìn chiến thuyền ra trận’.

Các chiến binh xuất chúng: Cả Hy Lạp lẫn thành Troy đều quy tụ những quân đoàn với các anh hùng hàng đầu của thời đại. Siêu sao bên Hy Lạp có Achilles, mà bà mẹ ông là nữ thần đã tắm ông trong dòng sông Styx ở âm ty để khiến da thịt cứng như đồng không gươm giáo nào có thể xâm phạm, trừ gót chân, nơi bà mẹ nắm lấy ông khi nhúng ông vào dòng nước thiêng. Chiến binh vĩ đại nhất bên thành Troy là Hector, trưởng nam của Vua Priam.

Một trận chiến tàn khốc: Chiến tranh khốc liệt giữa hai bên kéo dài trong mười năm. Các vị thần và nữ thần đều trợ giúp hoặc ngăn trở mỗi bên; mỗi vị thần chọn một bên để yểm trợ. Nhiều trang anh hùng ở cả hai bên đều bỏ mạng, trong đó có Hector chết dưới tay Achilles. Rồi Paris bắn một mũi tên vào gót chân (nơi duy nhất trong cơ thể ông có thể bị tổn thương), và ông chết.

Chiến mã quỷ quyệt: Cuối cùng, trận chiến kết thúc bằng mưu kế do Odyssey, vua xứ Ithaca của Hy Lạp bày ra. Quân Hy Lạp đóng một chiến mã khổng lồ bằng gỗ, để ở bên ngoài cổng thành Troy, và sau đó giả vờ rút quân về nước. Tưởng mình đã thắng trận, quân thành Troy kéo ngựa gỗ vào thành và nhậu nhẹt ăn mừng. Khi đêm xuống đội quân thiện chiến của Hy Lạp trốn sẵn trong lòng ngựa gỗ tụt xuống và mở cổng thành cho quân đoàn bên ngoài cũng vừa quay lại tràn vào. Trong cuộc tắm máu sau đó, thành Troy hoàn toàn bị tàn phá, không bao giờ phục hồi trở lại.

Cuộc chiến thành Troy là trang huy hoàng đối với nền văn minh Hy Lạp cổ đại, là dấu ấn khó phai với người Hy Lạp cũng như những người đã từng đọc, học tập và nghiên cứu về Hy Lạp nói chung và văn minh Hy Lạp nói riêng.

(Sản phẩm của FTC. Lưu hành nội bộ)