HÁT XẨM- GIA VỊ QUÊ HƯƠNG GIỮA CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI
HÁT XẨM- GIA VỊ QUÊ HƯƠNG GIỮA CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI
Cùng với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, hát xẩm cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam.
Xẩm là một loại hình dân ca của Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. "Xẩm" còn được dùng để chỉ những người hành nghề hát xẩm. Nghệ nhân Hà Thị Cầu (1928–2013) được coi là người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX và tỉnh Ninh Bình đang có những nỗ lực đệ trình UNESCO công nhận hát xẩm là di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp.
Từ khi ra đời cho đến giữa thế kỷ XX, hát xẩm được nhiều người khiếm thị sử dụng làm nghề kiếm sống nơi bến đò, chợ búa hay lang thang trên những nẻo đường... Họ tổ chức thành các phường hội để truyền nghề và giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống. Vào cuối năm 1954 đầu 1955, để chống lại việc người dân miền Bắc di cư vào miền Nam sau Hiệp định Genève, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tập trung nhiều nhóm hát xẩm (gồm nhiều nghệ nhân xẩm của các vùng Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội...), cử người viết bài và đến các vùng duyên hải phía Bắc biểu diễn nhằm vận động nhân dân không di cư. Sau đó, khi Hội Người mù được thành lập, những người hát xẩm được dạy nghề về thủ công và chuyển sang sống bằng nghề mới này nên xẩm dần vắng bóng. Hát xẩm hiện nay chỉ đôi khi xuất hiện trên sóng phát thanh, sân khấu như một tiết mục văn nghệ thuần túy do những diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn chứ hát xẩm không còn tồn tại với hình thái xã hội vốn có của nó. Gần đây, khi công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn dân ca được chú trọng, các nghệ nhân hát xẩm hiếm hoi còn lại như bà Hà Thị Cầu đã được tổ chức truyền lại cho thế hệ sau loại hình dân ca này. Sau mấy chục năm gián đoạn, ngày 29 tháng 3 năm 2008 (22 tháng 2 âm lịch), lễ giỗ tổ nghề hát xẩm cũng đã được phục hồi và tổ chức một cách trọng thể tại Quốc tử giám, Hà Nội. Thời gian gần đây, được sự đồng ý của Sở Văn hoá, Du lịch và Thể thao Hà Nội cùng với sự tài trợ của một số doanh nghiệp; các nghệ sĩ Xuân Hoạch, Văn Ty, Thanh Ngoan, Đoàn Thanh Bình thường tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật hát xẩm vào tối thứ 7 hàng tuần tại trước cổng chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa nghệ thuật tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có nội dung ca từ độc đáo, tiêu biểu của Việt Nam. Trong các loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc, có lẽ chỉ duy nhất hát Xẩm được gọi với tư cách là một nghề để kiếm sống.
Nghệ thuật hát Xẩm được hình thành bởi một hệ thống bài bản và âm nhạc riêng biệt, đặc trưng. Với các nhạc cụ như đàn bầu, đàn nhị, sênh sứa, trống mảnh, đàn hồ, trống cơm, thanh la, người nghệ sĩ/nghệ nhân biểu diễn hát Xẩm tự thêm hoặc bớt các nhạc cụ cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh và làn điệu biểu diễn.
Bản chất của hát Xẩm là lối hát kể chuyện tự sự, mang tính tự nhiên, hát Xẩm rất tự nhiên, như là kể một câu chuyện, tôi rất mong muốn làm sao để giữ được bản sắc truyền thống trước, sau đó là sự sáng tạo, phát triển sau". Như vậy, Xẩm với tư cách là loại hình nghệ thuật của những người hát rong (được coi là một nghề) đã không còn nhưng nghệ thuật hát Xẩm đã và đang được phục hồi và phát triển trong đời sống cộng đồng tại Ninh Bình.
Những làn điệu gốc của Xẩm với 3 điệu chính Xẩm Huê tình, Xẩm xoan, Xẩm ba bậc, một bài Xẩm gồm có vỉa, trổ mở đầu, trổ thân, các trổ nhắc lại, trổ kết vẫn được các nghệ nhân lưu giữ. Đồng thời họ còn sáng tác thêm các bài hát mới dựa trên những làn điệu cổ truyền để phù hợp với cuộc sống hiện tại, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của mọi tầng lớp nhân dân. Đây chính là giá trị bất biến của nghệ thuật hát Xẩm.
Nghệ thuật hát Xẩm đã phản ánh một phần hiện thực đời sống xã hội trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong điều kiện xã hội lúc đó, những người hát Xẩm là những người chuyển tải những câu tục ngữ, những câu truyện cổ, truyện nôm hay truyện cổ tích, thần thoại, những chuyện sinh hoạt, những cảnh bất công xã hội… Những nội dung mà nghệ thuật hát Xẩm đưa tới cho người nghe thường phản ánh các sự kiện đương thời. Thông qua một số bài Xẩm cụ thể, nhân vật và sự kiện lịch sử được thể hiện, đồng thời, trong lời hát còn bày tỏ thái độ của người dân căm ghét quân xâm lược và thương cảm vô hạn đối với đồng bào, tổ quốc. Việc phản ánh đời sống xã hội bằng tính thời sự nóng bỏng nên xẩm thích nghi với mọi điều kiện, mọi chế độ xã hội. Mặt khác, người hát xẩm cũng là người rất giỏi kể chuyện bằng âm nhạc thông qua một bài hát, một trích đoạn. Nghệ thuật hát xẩm vừa có ý nghĩa xã hội, vừa mang giá trị nghệ thuật. Do đó, xẩm cần được nhìn nhận là một môn nghệ thuật dân gian có giá trị văn hóa nghệ thuật cao.
Trước đây, hát Xẩm có một vai trò to lớn trong việc thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dân lao động, đồng thời đây cũng là một kênh thông tin, truyền thông độc đáo và quan trọng trong đời sống xã hội. Trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Pháp, Xẩm được dùng như một công cụ nhằm tuyên truyền chính sách. Lời Xẩm địch vận cũng đã ra đời từ đó và đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng của quân và dân ta. Ngày nay, việc tuyên truyền thông tin đã được hỗ trợ bằng nhiều máy móc, công nghệ hiện đại nhưng vai trò của con người vẫn rất quan trọng. Bằng việc ca hát và thưởng thức nghệ thuật dân gian như hát Xẩm sẽ làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng.
Có thể nói, ở một góc độ nào đó, xẩm hiện nay đã có nguy cơ “hạ màn” khi những “báu vật” cuối cùng của nghệ thuật hát xẩm như cụ Hà Thị Cầu không còn. Nhưng các nghệ sĩ hôm nay bằng lòng yêu và trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống, đã tìm cách giữ lại những điệu hát của nghệ thuật của cha ông, song họ không thể rời nhà đi lang thang hát để kiếm tiền như các cụ ngày xưa. Hai việc đấy hoàn toàn khác nhau. Họ cũng không đủ khả năng ứng tác ngay như các “ông xẩm” trước đây để có thể đáp ứng nhu cầu phản ánh kịp thời các hiện tượng xã hội. Các nghệ sĩ xẩm xưa giỏi ở chỗ đó. Họ vừa là người sáng tác lời ca, vừa là người biểu diễn. Đấy là việc bình thường của người hát xẩm. Còn những nghệ sĩ bây giờ không có khả năng như vậy. Nghệ thuật hát Xẩm trong nền văn hoá Việt Nam với những ca từ đặc trưng, với hình thức hát nói dân gian vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng xưa và nay. Với ý thức giữ gìn văn hóa âm nhạc truyền thống, nghệ thuật hát Xẩm được coi là kho tàng tri thức mà nhân dân lao động đã sáng tạo, thực hành và truyền dạy, phổ biến cho các thế hệ sau.
(Sản phầm của FTC. Lưu hành nội bộ)
Tin liên quan
- 10 LOẠI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC TRỌNG DỤNG TRONG CÔNG TY 2021-11-18 15:25:36
- 10 điều có thể bạn chưa biết về lợi ích của lá tía tô. 2023-02-13 22:42:26
- ĂN TRÁI MĂNG CỤT MỖI NGÀY, 100 ĐIỀU KỲ DIỆU ĐẾN VỚI SỨC KHỎE 2023-02-08 07:46:19
- Các khoản thu và chi của ngân sách địa phương 2023-02-10 11:24:10
- CÁC NGUYÊN TẮC VÀNG CHO NHÂN VIÊN VĂN PHÒNG 2021-11-18 16:07:44