GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ MẦM NON

Tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non và phương pháp

GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ MẦM NON     

      Ở mỗi một độ tuổi khác nhau, yêu cầu được đặt ra đối với việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cũng khác nhau. Lừa tuổi mầm non là lứa tuổi chập chững bước vào đời, vì vậy cha mẹ cần phải quan tâm hết mực tới sự phát triển của con, trong đó có cả việc phát triển kỹ năng sống.

      Khi muốn thiết lập bất cứ kỹ năng nào thì cũng cần đến thời gian và sự rèn luyện. Ở trẻ cũng thế, việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em không thể nóng vội, đòi hỏi sự kiên nhẫn với 3 bước cơ bản như sau:

      Tạo dựng cho trẻ nhỏ những kiến thức về hành động: Trẻ nhỏ cần hiểu được mục đích, đối tượng, cách thức và điều kiện hoạt động.

      Cha mẹ, những người có kiến thức cao hơn cần hướng dẫn thông qua việc gợi ý, làm mẫu và thúc đẩy trẻ tìm tòi, khám phá, quan sát và đừng ngại để bé làm thử, trải nghiệm, và học hỏi từ những lỗi sai của mình.

      Luôn tạo điều kiện để các bé có thể vận dụng kiến thức, kinh nghiệm mà mình học được vào tình huống thực tế. Đồng thời, người hướng dẫn cần giúp các bé vận dụng linh hoạt đa dạng, kỹ năng, kỹ xảo, phương pháp tư duy trong nhiều điều kiện và tình huống khác nhau.

      Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần phải song song giữa lý thuyết và thực hành trên những tình huống cụ thể. Trẻ cần được quan sát người khác làm và trẻ cần tự thực hiện để trải nghiệm.

      Chính sự trải nghiệm thực tế nhiều lần sẽ giúp bé hình thành thói quen, rút ra kinh nghiệm và nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc làm đó. Từ những hành động đó giúp trẻ mầm non chủ động hơn trong việc vận dụng các kỹ năng cần thiết trong những tình huống cụ thể.

      Khi mà trẻ bước vào giai đoạn đầu đời, việc giáo dục phải được gắn với những hành động, tình huống cụ thể để bé tự mình bắt chước và học theo, trong đó có các phương pháp phổ biến như thông qua các trò chơi, thông qua sinh hoạt hàng ngày hay thông qua các câu chuyện, lời kể.

      Trước hết, bố mẹ có thể thông qua các trò chơi để rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ. Đây là cách đơn giản và thú vị nhất trong quá trình dạy trẻ. Bằng những suy nghĩ của mình, trẻ có thể tự tìm tòi, suy nghĩ, vận dụng kiến thức ban đầu và kỹ năng của mình để giải quyết trò chơi đó. Khi tham gia các trò chơi đó cũng là lúc tạo được niềm vui cho con, giúp con dễ vận dụng những kiến thức kỹ năng ấy hơn cả.Ví dụ, thông qua trò chơi rồng rắn lên mây, trẻ phải học cách làm việc theo nhóm một cách thuần thục nhằm hoàn thành tốt vai trò của mình đồng thời rèn tính chia sẻ, hợp tác với các bạn khác trong nhóm.

      Ngoài ra,thông qua sinh hoạt hằng ngày, trẻ cũng có thể rèn luyện trau dồi kỹ năng sống cho mình. Nếu kết hợp việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non vào sinh hoạt thì bé sẽ ghi nhớ lâu hơn, hiệu quả hơn. Lý do là vì những hành động này sẽ được lặp đi lặp lại và trở thành nếp sống của trẻ. Trong sinh hoạt hàng ngày, trẻ cũng sẽ liên tục phải đối mặt những vấn đề mới nảy sinh, trí tò mò cùng với đó sẽ được thổi lên, là động cơ thúc đẩy trẻ tìm kiếm những kiến thức, kỹ năng mới.

      Ngày nay, các ấn phẩm phim ảnh, những câu chuyện qua lời kể của bố mẹ cũng là chất xúc tác hình thành nên kỹ năng cho trẻ. Bố mẹ có thể cho bé xem các câu chuyện, bộ phim phù hợp lứa tuổi để gợi ý về cách cư xử đúng hay giải quyết vấn đề hiệu quả. Trong nội dung của những bộ phim hoạt hình, câu chuyện phù hợp với lứa tuổi của bé sẽ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bé có thể thông qua những hình ảnh ngộ nghĩnh mà mình nhìn thấy để học theo cách ứng xử đúng đắn, cách giải quyết vấn đề khôn khéo mà các nhân vật trong phim, truyện đã làm.

      Một phương pháp dạy trẻ mầm non kỹ năng sống phổ biến khác mà bố mẹ hoàn toàn có thể áp dụng là trao nhiệm vụ cho trẻ và yêu cầu trẻ phải hoàn thành nhiệm vụ đó. Phương pháp này sẽ giúp trẻ chủ động, sáng tạo hơn cũng như tăng khả năng ứng phó các tình huống. Khi thực hiện phương pháp này, bố mẹ cần phải xem xét, lựa chọn nhiệm vụ sao cho phù hợp nhằm đảm bảo nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi và khả năng khác nhau của trẻ, tuyệt đối không nên gây cho trẻ cảm giác hoang mang lo lắng.

     Các phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non có thể biến hóa và sáng tạo ra nhiều phương pháp hơn nữa tùy thuộc vào giáo viên hoặc cách bố mẹ thực hiện.

     Một thực trạng đáng báo động là trẻ hiện đang được gia đình (ông bà, bố mẹ…) bao bọc quá kĩ, điều này không chỉ gây hại nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài khiến trẻ không biết cách tự phục vụ bản thân mình, không biết tự lập. Nếu lâu dần sẽ khiến bé có tính ỷ lại, không phát triển được các kỹ năng cần thiết.

      Lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra cho các bậc cha mẹ là hãy thay đổi những thói quen xấu càng sớm càng tốt, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như tự ăn uống, dọn đồ chơi… Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên rèn luyện cho trẻ ý thức tự giác lao động bằng cách tập luyện cho trẻ thói quen phụ giúp ông bà, bố mẹ các việc trong nhà, giúp đỡ người lớn tuổi khi ra đường… để bé được phát triển toàn diện.

      Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non là rất cần thiết. Ở mỗi trẻ sẽ có những yếu tố cá nhân khác nhau. Các mối quan hệ xã hội, hoàn cảnh sống của các bé cũng không giống nhau. Vì thế, việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần có phương pháp nhất định với sự linh hoạt về hình thức, tận dụng các điều kiện cơ hội để trẻ có nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Chính vốn kỹ năng sống phong phú sẽ là tài nguyên để bé khai thác thêm nhiều kiến thức xung quanh, tạo lập nhiều mối quan hệ xã hội và phát triển cách toàn diện nhất.

"Sản phẩm Của FTC Việt Nam. Lưu Hành Nội Bộ"