ĐƯƠNG SỰ VÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

Đặc điểm của đương sự và người đại diện của đương sự

ĐƯƠNG SỰ VÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

1.Đương sự

Theo điều 6 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đương sự có quyền và nghĩa vụ chỉ động trong thu thập, giao nộp chứng cứ cho Toà Án. 

Đương sự là chủ thể đầu tiên và quan trọng nhất của hoạt động cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự. Đương sự chính là người phát động và giới hạn hoạt động chứng minh. Pháp luật tố tụng dân sự đặt ra nghĩa vụ chứng minh cho đương sự là vì, quan hệ dân sự là quan hệ riêng tư của các bên, do các bên tự quyết định, tự giải quyết là chủ yếu và chỉ khi các bên không tự giải quyết được thì họ cũng tự quyết định có yêu cầu nhà nước can thiệp, hỗ trợ hay không. Mặt khác, các bên đương sự là những người hiểu rõ vụ việc của mình nhất, biết rõ tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc của mình có những gì và đang ở đâu. Do đó, khi các bên đã đưa việc tranh chấp của họ ra Toà Án thì Toà Án chỉ là trọng tài, giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách khách quan và đúng pháp luật, chứ không thể làm thay, chứng minh thay cho đương sự

Vì vậy, việc quy định rõ về nghĩa vụ chứng minh đối với các đương sự là một trong những nội dung quan trọng trong tố tụng dân sự của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nội dung đó chính  là cơ sở cho các đương sự xác định những nghĩa vụ của mình khi đưa ra yêu cầu, thực hiện tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Nếu đương sự không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và Tòa án không thể thu thập chứng cứ có được thì có khả năng đương sự sẽ bị Tòa án tuyên bác yêu cầu. Đồng thời trong quá trình giải quyết phải bảo đảm cho người yếu thế không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ vẫn có điều kiện thực hiện việc tranh tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cho nên có một số trường hợp cụ thể nghĩa vụ chứng minh phải thuộc về người bị yêu cầu (bị đơn).

Để bảo đảm cho đương sự thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Toà Án, các đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh như nhau. Bên này được đưa ra chứng cứ, lý lẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bên kia cũng phải được đưa ra các chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Sự thiếu bình đẳng về nghĩa vụ chứng minh của đương sự có thể dẫn đến hậu quả chỉ có một bên đưa ra được chứng cứ, lí lẽ chứng minh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, Toà Án có thể nhận thức sai sự việc từ đó giải quyết vụ việc không đúng với bản chất của nó.

Đương sự có yêu cầu Toà Án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Toà Án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người bị yêu cầu tại khoản 1 điều 91.

Trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh trước hết thuộc về đương sự. Mỗi bên đương sự khi tham gia tố tụng đều cần phải chứng minh tất cả các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự mà trên cơ sở đó họ đưa ra yêu cầu hay phản đối yêu cầu của người khác. Trong mối tương quan giữa các đương sự thì nguyên đơn phải chứng minh trước. Nguyên đơn phải đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lí để chứng minh, trên cơ sở đó quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn được xác lập. Bị đơn phản đối lại yêu cầu của nguyên đơn thì phải đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lí làm cơ sở cho sự phản đối của mình

Khi tham gia tố tụng, các đương sự phải tích cực thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình mà không được ở lại cho các chi thể khác. Nếu đương sự không tích cực thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình mà ỷ lại cho chủ thể khác thực hiện thay thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng có tình tiết của vụ việc dân sự không được làm sáng tỏ vì những người thực hiện thay có thể không biết hết được sự việc và sẽ đem đến hậu quả bất lợi cho đương sự.

Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.

2.Người đại diện của đương sự

Đổi với người đại diện của đương sự là người thay mặt đương sự nghĩa vụ thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự nên nghĩa vụ chứng minh của họ được hình thành trên cơ sở nghĩa vụ chứng minh của đương sự. Trong tố tụng dân sự, tuỳ theo việc họ đại diện cho đương sự nào mà có nghĩa vụ chứng minh của đương sự đó. Người đại diện theo pháp luật, người đại diện do Toà Án chỉ định có nghĩa vụ thực hiện tất cả nghĩa vụ chứng minh của đương sự họ đại diện. Người đại diện theo uỷ quyền của đương sự thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong phạm vi được uỷ quyền.

(Sản phẩm của FTC. Lưu hành nội bộ)