Các khoản thu và chi của ngân sách địa phương
Nguồn thu của ngân sách địa phương được quy định tại Điều 37 Luật ngân sách nhà nước 2015, bao gồm
Các khoản thu và chi của ngân sách địa phương
Nội dung thu ngân sách địa phương
Nguồn thu của ngân sách địa phương được quy định tại Điều 37 Luật ngân sách nhà nước 2015, bao gồm:
- Các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%:
- a) Thuế tài nguyên, trừ thuế tài nguyên thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;
- b) Thuế môn bài;
- c) Thuế sử dụng đất nông nghiệp;
- d) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;
đ) Tiền sử dụng đất, trừ thu tiền sử dụng đất tại điểm k khoản 1 Điều 35 của Luật này;
- e) Tiền cho thuê đất, thuê mặt nước;
- g) Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
- h) Lệ phí trước bạ;
- i) Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết;
- k) Các khoản thu hồi vốn của ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu;
- l) Thu từ quỹ dự trữ tài chính địa phương;
- m) Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lí;
- n) Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho địa phương;
- o) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu thì được phép trích lại một phần hoặc toàn bộ, phần còn lại thực hiện nộp ngân sách theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- p) Lệ phí do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện thu;
- q) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện;
- r) Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương xử lý;
- s) Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác;
- t) Huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
- u) Thu kết dư ngân sách địa phương;
- v) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
- Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này.
- Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương.
- Thu chuyển nguồn của ngân sách địa phương từ năm trước chuyển sang.
Trong cơ cấu các khoản thu ngân sách địa phương, thuế là khoản thu quan trọng nhất, chiếm khoảng gần 90% tổng số thu ngân sách địa phương; các khoản phí và lệ phí chiếm khoảng 6,3% so với tổng thu ngân sách địa phương; còn các lại khoản thu khác có tỷ trọng khoảng 4% tổng số thu của ngân sách địa phương.
Nguồn thu của ngân sách địa phương được chia thành 3 nhóm lớn: nguồn thu tập trung toàn bộ vào ngân sách địa phương, nguồn thu theo tỉ lệ phần trăm, thu bổ sung từ ngân sách cấp trên.
Thứ nhất, các khoản thu ngân sách địa phương hưởng toàn bộ gồm: các loại thuế và các khoản tiền thu có liên quan đến đất và tài nguyên (trừ thuế tài nguyên thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí); thuế môn bài, lệ phí trước bạ và lệ phí đo địa phương thu; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thu hồi vốn của ngân sách địa phương; thu từ viện trợ trực tiếp cho địa phương, từ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân; thu kết dư ngân sách địa phương; thu chuyển nguồn của ngân sách địa phương từ năm trước chuyển sang và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật. Các khoản thu này có đặc điểm là các khoản thu nhỏ, phát sinh đều, ổn định ở các địa phương, do địa phương trực tiếp quản lí. Việc quản lý các khoản thu này gắn trực tiếp với trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, nếu quản lý tốt sẽ có nhiều nguồn thu này, quản lý yếu kém thì nguồn thu ngân sách địa phương giảm. Điều này nhằm nâng cao sự chủ động và khuyến khích các địa phương chăm lo phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ở địa phương mình.
Thứ hai, các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa NSTW và ngân sách địa phương, giống với những khoản thu mà trung ương được hưởng tập trung theo tỷ lệ phần trăm và ngân sách cấp mình nhưng khác về tỷ lệ thu. Các địa phương khác nhau có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và nguồn lực khác nhau; đối với địa phương nghèo, thu được ít mà phải chi nhiều, cần phi có điều tiết nhiều hơn từ NSTW để cân đối thu chi ngân sách địa phương và đồng thời đảm bảo sự công bằng, sự phát triển cân đối giữa các vùng miền, giữa các địa phương trong cả nước.
Thứ ba, thu bổ sung từ ngân sách trung ương gồm các khoản thu bổ sung để cân đối thu, chi ngân sách địa phương và các khoản thu bổ sung có mục tiêu giúp địa phương thực hiện những nhiệm vụ mà pháp luật quy định.
Nội dung chi ngân sách địa phương
Theo quy định tại Điều 38 Luật ngân sách nhà nước 2015 gồm các khoản chi:
Chi đầu tư phát triển: Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do địa phương quản lí; Đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của Nhà nước theo quy định của pháp luật; Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật
Chi thường xuyên: Các hoạt động sự nghiệp kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế, xã hội, văn hóa thông tin văn học nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, các hoạt động sự nghiệp khác do địa phương quản lý: Quốc phòng an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền huy động cho đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật ngân sách nhà nước năm 2015; Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính của cấp tỉnh; Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới; Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách địa phương và chi hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ luật định.
Có thể thấy, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương nhẹ hơn NSTW về khoản mục chi và nội dung của từng khoản mục chi, ví dụ: địa phương không có nhiệm vụ chi viện trợ và chi cho vay như trung ương; trong từng khoản mục, nội dung chi của trung ương bao gồm cả những khoản chi mà nội dung chi của địa phương không có.
Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền phân cấp cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách huyện và xã. HĐND có quyền chủ động phân phối thu, chi cho ngân sách cấp dưới trên cơ sở căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương mình quản lí và phải quán triệt các nguyên tắc pháp lí nhất định.
Giữa các địa phương có những đặc điểm kinh tế - xã hội khác biệt, có sự chênh lệch lớn về nguồn thu, nhiệm vụ chi, do vậy HĐND cấp tỉnh thực hiện phân bổ ngân sách sao cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Luật ngân sách nhà nước 2015 đề ra những nguyên tắc định hướng quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương tại Điều 39:
Thứ nhất, việc phân bổ nguồn thu và nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách địa phương phải phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phải phù hợp với đặc điểm của từng vùng cũng như với trình độ quản lí của từng địa phương.
Thứ hai, khi quyết định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh phải căn cứ vào tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu do Thủ tướng Chính phủ giao và các nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng toàn bộ.
Thứ ba, khi phân giao nhiệm vụ chi cho ngân sách cấp thị xã, thành phố thuộc tỉnh, phải có nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ cho ngành giáo dục, cho hoạt động giao thông đô thị và cho các sinh hoạt khác, không giao nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ cho ngân sách cấp huyện và cấp xã.
Thứ tư, ngân sách cấp xã, thị trấn hưởng các nguồn thu pháp luật quy định theo tỷ lệ phần trăm do HĐND cấp tỉnh quyết định.
- Quá trình lập dự toán
Các mốc thời gian của quá trình lập dự toán:
- Trước ngày 15 tháng 5, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm sau.
- Trước ngày 20 tháng 9, Chính phủ trình các tài liệu báo cáo theo quy định
- Trước ngày 15 tháng 11, Quốc hội phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước.
- Sau khi được phê duyệt Chính phủ giao về cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Trước ngày 10 tháng 12, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt ngân sách cấp tỉnh.
- Trước ngày 20 tháng 12 Hội đồng nhân dân cấp địa phương phải phê duyệt xong ngân sách.
Tại Điều 44 các bước thực hiện quá trình lập dự toán đều ghi kèm thời gian cụ thể (bao gồm cả ngày tháng). Điều này nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm hơn, biết được thời gian cụ thể mình cần hoàn thành nhiệm vụ từ đó kịp thời chuẩn bị, thực hiện các công việc, tài liệu cần thiết để đưa ra kết quả đúng thời gian quy định.
Không chỉ có vậy việc lập dự toán ngân sách là việc quan trọng, quá trình này là một quy trình mà nếu gặp sự cố ở bất kì bước nào cũng có thể là chậm trễ, gián đoạn quy trình đó nên việc quy định cụ thể thời gian tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền có thời gian và khả năng kịp thời giải quyết cho hợp tiến độ, để quy trình diễn ra bình thường, trơn tru, không bị đình trệ. Hơn nữa, đây cũng là cách để nhà nước quản lý, giám sát một quy trình quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến một quốc gia.
Một quy trình lớn như lập dự toán ngân sách luôn cần sự giám sát, thực hiện nghiêm túc, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm liên quan. Điều 45 đã quy định một cách cụ thể, chi tiết trách nhiệm để đảm bảo ở từng bước của quá trình các cơ quan, tổ chức, đơn vị luôn đề cao việc hoàn thành nhiệm vụ, có trách nhiệm với công việc được giao, biết mình có nhiệm vụ gì, phải thực hiện công việc gì, có trách nhiệm như thế nào khi không hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó đảm bảo cho quá trình lập dự toán ngân sách được thực hiện trơn tru.
Khoản 2 Điều 48 đề cao tính chủ động của của Uỷ ban nhân dân, nhấn mạnh sự phối hợp nhịp nhàng cả về trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân để đảm bảo tiến độ công việc.
Luật ngân sách nhà nước 2015 đã có chuyển biến lớn về việc thừa nhận bội chi ngân sách địa phương (ngân sách địa phương) để từ đó thay đổi về cách quản lý hoạt động vay nợ và tiến tới công khai hoá, minh bạch hóa các khoản nợ, cách thức vay nợ của địa phương nhằm quản lý tốt về tài chính công.
Luật ngân sách nhà nước 2015 đã làm rõ mối quan hệ giữa ngân sách các cấp; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương để chủ động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đi đôi với việc tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.
Nhược điểm:
Về quy định ngân sách địa phương được bội chi: Quy định này của Luật ngân sách nhà nước 2015 mang tính đột phá khi thừa nhận có bội chi ở ngân sách địa phương. Tuy nhiên, việc quy định về mức dư nợ tối đa vốn vay của Luật ngân sách nhà nước 2015 vẫn còn nhiều bất cập.
Luật ngân sách nhà nước 2015 chỉ cho phép Tp.HCM và Tp.HN mới có "mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp". Quy định này có lẽ xuất phát từ tốc độ tăng trưởng kinh tế của hai thành phố lớn này trong các năm qua. Tuy nhiên, nếu cho rằng cả nước chỉ có 2 thành phố trên mới có nhu cầu đầu tư xây dựng cao nên có thể cho phép mức dư nợ vượt hơn mức dư nợ của các thành phố khác cả nước là chưa thực sự ổn. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của Tp. Đà Nẵng và Cần Thơ là khá nhanh và mạnh. Do vậy, các địa phương này cũng đang cần có những cơ chế thông thoáng để đáp ứng nhu cầu đầu tư phục vụ cho quá trình đô thị hoá và phát triển kinh tế địa phương.
Quy định về các nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách tại Điều 9 của Luật ngân sách nhà nước 2015. Theo đó, quy định về trường hợp có phát sinh nguồn thu mới làm ngân sách địa phương tăng thu lớn thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp trên trong Luật ngân sách nhà nước 2015 là không phù hợp với các quy định khác và không hợp logic. Bởi nguồn thu của ngân sách địa phương bao gồm các khoản thu 100% và các khoản thu phân chia theo tỷ lệ % giữa ngân sách Trung Ương và ngân sách địa phương. Do vậy, khi đã xác định đây là nguồn thu 100% của ngân sách địa phương nhưng khi có phát sinh tăng thu lớn thì phải nộp về cho ngân sách Trung Ương thì còn đảm bảo đây là khoản thu của ngân sách địa phương ko?
(Sản phẩm của FTC Việt Nam. Lưu hành nội bộ)
Tin liên quan
- 10 LOẠI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC TRỌNG DỤNG TRONG CÔNG TY 2021-11-18 15:25:36
- 10 điều có thể bạn chưa biết về lợi ích của lá tía tô. 2023-02-13 22:42:26
- ĂN TRÁI MĂNG CỤT MỖI NGÀY, 100 ĐIỀU KỲ DIỆU ĐẾN VỚI SỨC KHỎE 2023-02-08 07:46:19
- CÁC NGUYÊN TẮC VÀNG CHO NHÂN VIÊN VĂN PHÒNG 2021-11-18 16:07:44
- CẮT TÓC 2023-02-08 15:51:29